Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG I MỘT PHÁP (EKAKANIPĀTA)/ XVI. PHẨM MỘT PHÁP (EKADHAMMA)

II. PHẨM THỨ HAI (Dutiyavagga)41 (A. I. 30)

          298. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, hay các pháp bất thiện đã sanh được tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

          299. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, hay các pháp thiện đã sanh được tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

          300. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, hay các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt.

          301. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, hay các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt.

          302. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, tà kiến chưa sanh được sanh khởi, hay tà kiến đã sanh được tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, tà kiến chưa sanh được sanh khởi, và tà kiến đã sanh được tăng trưởng.

          303. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, và chánh kiến đã sanh được tăng trưởng.

          304. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mệnh chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mệnh chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

          305. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh vào cõi lành, thiên giới, cõi đời này, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Các chúng sanh có đầy đủ chánh kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh lên cõi lành, thiên giới, cõi đời này.

          306. Đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn theo tà kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn toàn theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào…, phàm có quyết định nào…, phàm có ước nguyện nào…, và phàm có các hành nào…, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỷ-kheo.

          Ví như, này các Tỷ-kheo, hạt giống cây nimba,42 hay hạt giống cây kosātaki (một loại cây leo), hay hạt giống cây mướp đắng, được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh đắng, tánh cay, tánh không lạc của nó. Vì cớ sao? Vì tánh ác của hạt giống, này các Tỷ-kheo.

          Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn... (như trên)… Vì tánh ác của tà kiến, này các Tỷ-kheo.

          307. Đối với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn theo chánh kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn toàn theo chánh kiến, phàm có tư tâm sở nào…, phàm có quyết định nào…, phàm có ước nguyện nào…, và phàm có các hành nào…, tất cả pháp ấy đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, đưa đến hạnh phúc, an lạc. Vì cớ sao? Vì tánh hiền thiện của chánh kiến, này các Tỷ-kheo.

          Ví như, này các Tỷ-kheo, hạt giống cây mía, hay hạt giống cây lúa (sāli), hay hạt giống cây nho (muddikā) được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh ngọt, thích ý, tánh ngon ngọt (asecanaka) của nó. Vì cớ sao? Vì tánh hiền thiện của hạt giống, này các Tỷ-kheo.

          Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có chánh kiến, này các Tỷ- kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn... Vì tánh hiền thiện của chánh kiến, này các Tỷ-kheo.

Tham khảo:

41 Bản tiếng Anh của PTS: Chapter XVII. The Seed, nghĩa là Chủng tử

42 Nimba: Một loại cây gỗ cứng và lá đắng. Xem A. I. 32; V. 212; J. II. 105, 106; DhA. I. 52; Vin. I. 152.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.