Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG II HAI PHÁP (DUKANIPĀTA)/ I. PHẨM HÌNH PHẠT (KAMMAKARAṆAVAGGA)
I. KINH TỘI (Vajjasutta)1 (A. I. 47)
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Có hai loại tội, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thấy vua chúa bắt được người ăn trộm, kẻ vô loại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác.2 Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn,3 họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu,4 họ dùng hình phạt bối đầu hình5 (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la-hầu khẩu hình6... hỏa man hình7 (lấy lửa đốt thành vòng hoa)... đốt tay8... khu hành hình9 (lấy rơm bện lại rồi siết chặt)... bì y hình10 (lấy vỏ cây làm áo)... linh dương hình11 (hình phạt con dê núi)... câu nhục hình12 (lấy câu móc vào thịt)... tiền hình13 (cắt thịt thành đồng tiền)... khối chắp hình14... chuyển hình15... cao đạp đài16..., họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu.
Người ấy thấy vậy, suy nghĩ như sau: “Do nhân các ác nghiệp như vậy, vua chúa bắt được kẻ ăn trộm, kẻ vô loại, áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi... họ lấy gươm chặt đầu. Nếu ta làm các ác nghiệp như vậy, vua sẽ bắt ta và áp dụng các hình phạt như vậy.” Người ấy sợ hãi phạm tội ngay trong hiện tại, không cướp phá tài sản của những người khác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tội có kết quả ngay trong hiện tại.
Và này các Tỷ-kheo thế nào là tội có kết quả trong đời sau?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người suy xét như sau: “Quả dị thục của thân làm ác trong đời sau là ác và khổ. Quả dị thục của miệng nói ác trong đời sau là ác và khổ. Quả dị thục của ý nghĩ ác trong đời sau là ác và khổ. Nếu thân ta làm ác, nói lời ác, nghĩ việc ác, ta có thể, sau khi thân hoại mệnh chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.” Người ấy sợ tội có kết quả trong đời sau, từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm thiện, từ bỏ miệng nói ác, tu tập miệng nói thiện, từ bỏ ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ thiện, và giữ cho mình (attānaṃ pariharati) thật thanh tịnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tội có kết quả trong đời sau. Này các Tỷ-kheo, trên đây là hai loại tội. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội (vajjabhīruno). Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập. Đối với ai tránh xa các tội, này các Tỷ- kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.
Tham khảo:
1 Trong bản tiếng Anh của PTS, 10 kinh (từ 1-10) được trình bày liên tục với tên nhóm: Punishments, nghĩa là Nhiều hình phạt.
2 Kammakāraṇā: Hình phạt. Xem M. I. 87.
3 Addhadaṇḍaka: Cây gậy ngắn.
4 Bilaṅgathālikaṃ: Theo Chú giải, đó là cách khoét lỗ trên đỉnh đầu, thả viên sắt nướng đỏ vào làm não sôi lên.
5 Saṅkhamuṇḍikaṃ: Lấy sạn cát chà trên đầu cho đến khi trơn láng như vỏ ốc.
6 Rāhumukhaṃ: Dùng kềm mở miệng nạn nhân, đổ dầu và cắm tim rồi thắp.
7 Jotimālikaṃ: Tẩm dầu khắp thân rồi đốt cháy.
8 Hatthapajjotikaṃ: Tay bị làm như ngọn đuốc với giẻ tẩm dầu quấn tay rồi đốt.
9 Erakavattikaṃ: Da bị lột từ cổ trở xuống, cột lại dưới háng và treo lên.
10 Cīrakavāsikaṃ: Da bị cắt thành từng đường dài, và cột lại như một loại quần áo.
11 Eṇeyyakaṃ: Nạn nhân bị trói chặt lại, dùng cây sắt đâm ngang, đính vào đất và nướng sống.
12 Baḷisamaṃsikaṃ: Bị lột da với móc câu.
13 Kahāpaṇikaṃ: Lột từng miếng thịt bằng đồng tiền.
14 Khārāpatacchikaṃ: Thân bị đập với cây côn, và lấy vôi đắp vào vết thương.
15 Palighaparivattikaṃ: Đóng đinh thân trên đất ngang qua hai lỗ tai, rồi nắm chân xoay vòng tròn.
16 Palālapīṭhakaṃ: Thân bị đập cho đến khi các xương bị bể nát và thân bị mềm sụn như tấm nệm.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.