Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG I MỘT PHÁP (EKAKANIPĀTA)/ XIII. PHẨM MỘT NGƯỜI (EKAPUGGALAVAGGA)
XIII. PHẨM MỘT NGƯỜI (EKAPUGGALAVAGGA)24 (A. I. 22)
170. Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Chính người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người.
171. Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Sự xuất hiện của một người nào? Đó là sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
172. Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của một người vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Chính người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của một người vi diệu.
173. Sự mệnh chung của một người, này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc. Sự mệnh chung của một người nào? Đó là sự mệnh chung của Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Sự mệnh chung của một người này, này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc.
174. Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của một người, không có một người thứ hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có
ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.25 Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Người này, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của một người, không có một người thứ hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.26
175-186. Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của Mắt lớn, là sự xuất hiện của Đại quang, là sự xuất hiện của Đại minh, là sự xuất hiện của Sáu vô thượng,27 là sự chứng ngộ Bốn vô ngại giải,28 là sự thông đạt nhiều Giới,29 là sự thông đạt các Giới sai biệt,30 là sự chứng ngộ Minh và Giải thoát,31 là sự chứng ngộ quả Dự lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất lai, là sự chứng ngộ quả Bất lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ- kheo, là sự xuất hiện của Mắt lớn, là sự xuất hiện của Đại quang... là sự chứng ngộ quả A-la-hán.
187. Ta không thấy một người nào khác, này các Tỷ-kheo, có thể chơn chánh chuyển vận vô thượng pháp luân do Như Lai chuyển vận, này các Tỷ- kheo, như Sāriputta. Sāriputta, này các Tỷ-kheo, chơn chánh chuyển vận vô thượng pháp luân do Như Lai chuyển vận.
Tham khảo:
24 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.8.2. 0561a08); Tăng. 增 (T.02. 0125.8.7. 0561b26). 25 Dvipadānaṃ aggo. Xem S. I. 6.
26 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.8.4. 0561b01); Tăng. 增 (T.02. 0125.8.10. 0561c24).
27 Anuttariya: Thù thắng về thấy, nghe, sở hữu, giáo dục, phục vụ, niệm.
28 Paṭisambhidā: Về ý nghĩa, nhân duyên, định nghĩa và trí tuệ.
29 Anekadhātupaṭivedha.
30 Nānādhātupaṭivedha.
31 Vijjāvimuttiphalasacchikiriyā.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.