Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG I MỘT PHÁP (EKAKANIPĀTA)/ VIII. PHẨM LÀM BẠN VỚI THIỆN HỮU (KALYĀṆAMITTĀDIVAGGA) (A. I. 14)
VIII. PHẨM LÀM BẠN VỚI THIỆN HỮU (KALYĀṆAMITTĀDIVAGGA) (A. I. 14)
71. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, hay các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như làm bạn với thiện hữu.18 Với người làm bạn với thiện hữu, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
72. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, hay các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như chuyên tâm hành các pháp bất thiện19 và không chuyên tâm hành các pháp thiện. Do chuyên tâm hành các pháp bất thiện, này các Tỷ-kheo, do không chuyên tâm hành các pháp thiện, nên các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.
73. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, hay các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như chuyên tâm hành các pháp thiện và không chuyên tâm hành các pháp bất thiện. Do chuyên tâm hành các pháp thiện, này các Tỷ-kheo, do không chuyên tâm hành các pháp bất thiện, nên các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.
74. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh không sanh khởi, hay các giác chi đã sanh không được tu tập cho viên mãn, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, các giác chi chưa sanh không được sanh khởi, và các giác chi đã sanh không được tu tập cho viên mãn.
75. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay các giác chi đã sanh được tu tập cho viên mãn, này các Tỷ-kheo, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, các giác chi chưa sanh được sanh khởi, và các giác chi đã sanh được tu tập cho viên mãn.
76. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát bà con. Điều này là khốn cùng20 giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
77. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng bà con. Điều này là tối thượng (etadaggaṃ) giữa các tăng trưởng, này các Tỷ- kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập.
78. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát tài sản. Điều này là khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
79. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng tài sản. Điều này là tối thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ làm tăng trưởng sự tăng trưởng trí tuệ.” Như vậy, này các Tỷ- kheo, các ông cần phải học tập.
80. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát danh tiếng. Điều này là khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ.
Tham khảo:
18 Xem S. V. 29-35.
19 Anuyogo akusalānaṃ dhammānaṃ.
20 AA. I. 82: Etaṃ patikiṭṭhanti etaṃ pacchimaṃ etaṃ lāmakaṃ (“Điều này là khốn cùng” có nghĩa là điều này là thấp nhất, điều này là tồi tệ).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.