Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
LUẬT TẠNG THƯỢNG TỌA BỘ
Trong ấn bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam này, bản Luật tạng Pāli được chọn in là bản dịch của Thượng tọa Indacanda (Chánh Thân) được dịch Việt vào tháng 10-2003 và hiệu đính vào tháng 9-2004.
Để giúp độc giả hiểu rõ về Luật tạng Pāli của Thượng Tọa bộ so với Luật tạng của năm trường phái Luật học[3] Phật giáo hiện còn lưu trữ bằng Hán văn trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經, Taishō Shinshū Daizōkyō), tôi khái quát về sáu trường phái Luật Phật giáo, giới thiệu về cấu trúc và nội dung của Luật tạng Pāli cũng như một số thuật ngữ Luật học Phật giáo thông dụng.
I. CÁC TRƯỜNG PHÁI LUẬT PHẬT GIÁO
Ngoài Luật tạng Pāli còn gọi là Luật Thượng Tọa bộ (Theravāda Vinaya, 上座部律), có năm trường phái Luật Phật giáo hiện vẫn còn các bản văn lưu hành thuộc các trường phái Phật giáo tiêu biểu gồm: (i) Luật tứ phần (Cāturvargīya Vinaya,[4] 四分律)[5] của Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka, 法藏 部); (ii) Luật Di-sa-tắc bộ hòa-ê ngũ phần (Mahīśāsaka Vinaya, 彌沙塞部和醯五分律), gọi tắt là Luật ngũ phần (Pañcavargika Vinaya, 五分律)[6] của Hóa Địa bộ (Mahīśāsaka, 化地部); (iii) Luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika Vinaya, 摩訶僧祇律) gọi tắt là 僧祇律)[7] của Đại Chúng bộ (Mahāsāṃghika, 大眾部); (iv) Luật thập tụng (Daśa-bhāṇavāra Vinaya, 十誦律),[8] còn gọi là Tát-bà-đa bộ thập tụng luật (薩婆多部十誦律)[9] của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvāstivāda, 說一 切有部); (v) Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Vinaya, 根本說一切有部律)[10] gọi tắt là Căn Hữu bộ luật (根有部律) hay Căn Hữu luật (根有律) thuộc Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda, 根本說一切有部).
Tại Trung Quốc, Luật tứ phần, Luật ngũ phần, Luật thập tụng, Luật Ma-ha Tăng-kỳ được phổ biến rộng rãi và được gọi là bốn bộ Luật lớn (四大律典). Trong thời đại Nam Bắc triều (南北朝, 420-589), Luật thập tụng và Luật Ma-ha Tăng- kỳ là hai bộ thịnh hành nhất, đặc biệt là ở Giang Nam (江南). Trong thời Tùy Đường (隋唐, 581-907), Luật tứ phần thịnh hành nhất tại Trung Quốc.
Trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新修大藏經) gọi tắt là Đại Chánh tạng (大正藏) hiện còn lưu giữ các bản văn của năm trường phái Luật và một phần của Luật Theravāda cũng như một số bản văn Luật thuộc Phật giáo Đại thừa. Nếu Luật tạng Thượng Tọa bộ đại diện Phật giáo Thượng Tọa bộ (P. Theravāda, S. Sthaviravāda, 上座部) còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam thì Luật tứ phần đại diện cho Luật tạng được áp dụng phổ biến tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.
Luật tạng Thượng Tọa bộ là bộ Luật Phật giáo đầu tiên được biên tập thành văn bản viết vào thế kỷ I TTL, đang khi các bản văn Luật tứ phần, Luật ngũ phần, Luật Ma-ha Tăng-kỳ và Luật thập tụng được dịch sang Hán văn trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ V. Riêng bộ Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Vinaya) được dịch sang tiếng Trung Quốc vào đầu thế kỷ VIII và sang tiếng Tây Tạng vào đầu thế kỷ IX.
1. Luật tạng Pāli (Vinaya Piṭaka, 律藏) của Thượng Tọa bộ có 5 tập: (i) Phân tích Giới (Suttavibhaṅga, 經分别, Kinh phân biệt)[11] gồm Phân tích Giới bổn Tỳ-kheo (Mahāvibhaṅga, 大分别, Đại phân biệt); (ii) Phân tích Giới bổn Tỳ-kheo (經分别)[12] gồm 227 điều giới tiếp theo, và Phân tích Giới bổn Tỳ-kheo-ni (比丘 尼分别) gồm 311 điều giới; (iii) Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) gồm 10 chương; (iv) Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品)[13] gồm 12 chương; (v) Tập yếu (Parivāra, 附 随, Phụ tùy)[14] trình bày các tiêu đề giới luật dưới hình thức vấn đáp.
2. Luật tứ phần (四分律) hay Luật Pháp Tạng bộ (Dharmagupta Vinaya, 法藏部戒律), thuộc Pháp Tạng bộ hay còn gọi là Luật Đàm-vô-đức (曇無 德律), có nghĩa đen là “Luật tạng bốn phần”, gồm 60 tập, do Phật-đà-da-xá (Buddhayaśa, 佛陀耶舍) dịch vào khoảng năm 408-13 và Trúc Phật Niệm (竺 佛念) dịch vào khoảng năm 412-13, thuộc triều đại Hậu Tần (後秦, 384-417). Về sau, tại Trung Quốc, Luật tứ phần là bản văn được Luật tông (律宗), một trong mười tông phái của Phật giáo Hán truyền (漢傳佛教) chọn làm bản Luật để nghiên cứu, hành trì. Chính vì thế, Luật tông còn được gọi là “Tứ phần luật tông” (四分律宗) hoặc “Nam Sơn luật tông” (南山律宗).
Sở dĩ có tên gọi là Luật tứ phần là vì Luật Pháp Tạng bộ có cấu trúc gồm 4 phần.[15] Phần thứ nhất giới thiệu chi tiết về 250 điều giới Tỳ-kheo (比丘), gồm 21 quyển đầu (từ quyển 1-21). Phần thứ hai trình bày 348 điều giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼) và 4 chủ đề (犍度) quan trọng như tiếp nhận giới (受戒), đọc giới (說戒), an cư (安居), tự tứ (自恣), gồm 16 quyển kế (từ quyển 22-37). Phần thứ ba nói về 15 chủ đề (犍度) gồm phép tự tứ (tiếp theo), da thuộc (皮革), y (衣), thuốc (藥), y công đức (迦絺那衣), Câu-thiểm-di (拘睒彌), Chiêm-ba (瞻波), quở trách (呵責), người (人), phú tàng (覆藏), giá (遮), phá Tăng (破僧), dứt tranh chấp (滅諍), Tỳ-kheo-ni (比丘尼) và pháp (法), gồm 12 quyển (từ 38-49). Phần thứ tư đề cập về 50 chủ đề khác bao gồm phòng xá (房舍), hỗn hợp (雜), đại hội biên tập 500 người (五百集法), đại hội biên tập 700 người (七百集法), Điều bộ Tỳ-ni (調部毘尼) và Tỳ-ni Tăng nhất (毘尼增一) gồm 11 quyển.
3. Luật thập tụng (Daśa-bhāṇavāra Vinaya, 十誦律), còn gọi là Tát-bà-đa bộ thập tụng luật (薩婆多部十誦律), có nghĩa đen là bộ Luật mười lần trì tụng (Ten Recitations Vinaya) trong 90 ngày của mùa an cư thuộc lần biên tập đầu tiên sau khi đức Phật nhập Đại Niết-bàn. Tuy nhiên, cách giải thích trên cũng chưa có phần thuyết phục hoàn toàn, vì chữ “tụng” này đồng nghĩa như chữ “phần”, nên bộ Luật này còn được dịch là Luật mười phần. Đây là bộ Luật tạng của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvāstivāda Vinaya, 說一切有部律), gồm 61 tập được ngài Công Đức Hoa (Puṇyatāra, 功德華)12 truyền miệng bản Sanskrit và ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) dịch sang Hán văn trong triều đại Hậu Tần (後秦, 399-413).
Theo Xuất tam tạng ký tập (出三藏記集), ngài Cưu-ma-la-thập cung thỉnh ngài Puṇyatāra đến Trường An (長安) truyền bá Luật học. Vào ngày 17-10-404, hơn 600 Sa-môn đã đến chùa Trường An Trung (長安中寺) nghe ngài Puṇyatāra trùng tuyên Luật, ngài Cưu-ma-la-thập dịch ra Hán văn. Mới hoàn thành được 2/3 công trình phiên dịch thì ngài Puṇyatāra viên tịch.[16]
Cũng theo Xuất tam tạng ký tập (出三藏記集), tập 3, để hoàn tất dịch phẩm này, ngài Huệ Viễn (慧遠, 334-417) thỉnh ngài Đàm-ma-lưu-chi (曇摩流支, S. Dharmaruci) người Nam Ấn đến Trường An mang theo bản chép tay bản Luật Sanskrit phần còn lại và thỉnh ngài Cưu-ma-la-thập tiếp tục dịch sang Hán văn. Khi dịch tổng cộng được 58 quyển, chưa kịp xuất bản thì ngài Cưu-ma-la-thập viên tịch. Ngài Tỳ-ma-la-xoa (卑摩羅叉, S. Vimalākṣa) đã mang bản thảo đến chùa Thạch Nhuận (石澗寺) ở Thọ Xuân (壽春), nay là huyện An Vi Thọ (安徽壽) dịch thêm Thiện tụng Tỳ-ni tự (善誦毗尼序) còn gọi là Tỳ-ni tụng (毗尼诵) gồm 3 quyển. Sau đó chỉnh lý Luật thập tụng thành 61 quyển.
4. Luật ngũ phần (五分律), gọi đủ là Luật Di-sa-tắc bộ hòa-ê ngũ phần (Mahīśāsaka Vinaya, 彌沙塞部和醯五分律), còn gọi là Luật Di-sa-tắc (彌沙塞律) có cấu trúc gồm 5 phần. Đây là Luật tạng của Hóa Địa bộ (S. Mahīśāsaka, P. Mahiṃsāsaka, 化地部), do Phật-đà-thập (佛陀什, S. Buddhajīva) người Kashmir (罽賓) và Sa-môn Trí Nghiêm (沙門智嚴)[17] dịch năm 423 hoặc 424 tại chùa Long Quang (龍光寺) ở Dương Đô (楊都). Theo Cao Tăng Pháp Hiển truyện,[18] bộ Luật này được ngài Pháp Hiển (法顯, 337-422) mang từ Tích Lan (Sri Lanka) về Đông Tấn vào năm 413.
5. Luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika Vinaya, 摩訶僧祗律), gọi tắt là Luật Tăng-kỳ (僧祗律), là Luật tạng của Đại Chúng bộ, do ngài Phật-đà-bạt-đà-la (佛馱跋陀羅, S. Buddhabhadra, 359-429) và ngài Pháp Hiển (法顯) dịch, gồm 40 quyển, vào tháng 11 năm Nghĩa Hy thứ 12, tức là năm 416, trong triều đại Đông Tấn (東晉, 317-420).[19]
6. Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Vinaya, 根本說一切有部律) hay Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da (根 本說一切有部毘奈耶) của bộ phái Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda, 根本說一切有部) do ngài Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) chủ biên bản dịch vào thế kỷ VIII thuộc nhà Đường (唐代, 618-907), Trung Quốc, gồm 200 quyển, vẫn chưa hoàn tất. Ấn bản bằng tiếng Tây Tạng của ngài Thắng Hữu (勝友, S. Jinamitra) được dịch vào thế kỷ VIII-IX được xem là bản dịch hoàn chỉnh nhất của bộ Luật này và được các trường phái Phật giáo Tây Tạng (藏傳佛教) sử dụng thống nhất.[20]
Về cấu trúc, Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ được phân làm 4 phần: (i) Phân biệt luật (S. Vinaya-vibhaṅga, 毘奈耶分別, Tỳ-nại-da phân biệt); (ii) Sự việc của luật (S. Vinaya-vastu, 毘奈耶事, Tỳ-nại-da sự); (iii) Tạp sự của luật (S. Vinaya-kṣudraka, 毘奈耶雜事, Tỳ-nại-da tạp sự); (iv) Các phần tăng theo pháp số của luật (S. Vinayottaragrantha, 毘奈耶上分, Tỳ-nại-da thướng phần).
Phần sự việc của luật (S. Vinaya-vastu), theo bản Sanskrit hiện nay, bao gồm 17 phần như sau: (i) Gia nhập Tăng đoàn (S. pravrajyā); (ii) Lễ thuyết giới (S. Poṣadha, Bố-tát); (iii) Lễ an cư mùa mưa (S. Varṣā); (iv) Lễ Tự tứ cuối mùa an cư (S. Pravāraṇā); (v) Sử dụng dép và các đồ vật làm bằng da (S. carma); (vi) Thuốc thang (S. bhaiṣajya); (vii) Các loại y (S. cīvara); (viii) Y công đức (S. kaṭhina); (ix) Tranh chấp của Tăng đoàn tại Kauśāmbī (S. Kauśāmbī); (x) Biểu quyết Tăng đoàn (S. karma); (xi) Kỷ luật trong Tăng đoàn (S. pāṇḍulohitaka); (xii) Cách phạt người phạm tội Tăng tàn (S. pudgala); (xiii) Nguyên tắc ứng xử biệt trú (S. pārivāsika); (xiv) Đình chỉ lễ Bố-tát (S. poṣadhasthāpana); (xv) Thủ tục giải quyết tranh chấp (S. adhikaraṇa); (xvi) Phá hòa hợp Tăng (S. Saṃghabheda); (xvii) Trú xứ và đồ vật (S. śayanāsana).
II. LUẬT TẠNG THƯỢNG TỌA BỘ: CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG
1. Về cấu trúc và số tập
Luật tạng (P=S. Vinaya-piṭaka, 律藏) được phiên âm trong Hán văn là Tỳ- nại-da tạng (毘奈耶藏), là tuyển tập các quy định về giới luật Phật giáo (佛教 戒律) được đức Phật chế định cho người xuất gia. Giới luật được hình thành từ cuộc sống của Tăng đoàn, liên hệ đến các phương diện sinh hoạt nên được xem là nơi nương tựa của Tăng đoàn.
Về cấu trúc trong ấn bản Pāli, Luật tạng gồm có 3 phần chính: (i) Phân tích Giới bổn (Suttavibhaṅga, 經分别); (ii) Hợp phần (Khandhaka) thường được phiên âm là “kiền-độ” (犍度) và dịch nghĩa là “thiên chương” (篇章); (iii) Tập yếu (Parivāra) còn được dịch là “phụ tùy” (附随).
Về số tập, 3 phần của Luật tạng chia làm 5 tập: (i) Phân tích Giới bổn (Suttavibhaṅga, 經分别, Kinh phân biệt), với 227 điều, gồm Phân tích Giới Tỳ- kheo (Bhikkhuvibhaṅga) từ phần Pārājika đến Nissaggiya; (ii) Phân tích Giới Tỳ-kheo (Bhikkhuvibhaṅga) tiếp theo cho đến hết, và Phân tích Giới Tỳ-kheo-ni (Bhikkhunivibhaṅga, 比丘尼分别) gồm 311 điều; (iii) Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) gồm 10 chương; (iv) Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) gồm 12 chương; (v) Tập yếu (Parivāra, 附随, Phụ tùy) trình bày các tiêu đề giới luật dưới hình thức vấn đáp.
Bản Hán dịch được nhà xuất bản Diệu Lâm (妙林) thuộc chùa Nguyên Hanh (元亨寺) ấn hành vào năm 1990 trong Đại tạng kinh Nam truyền (南傳 大藏經), gồm 5 tập, được xem là bản dịch tương đối trung thành với ấn bản Pāli của Hội Thánh điển Pāli (Pali Text Society).
Tạng Luật Pāli do Thượng tọa Indacanda dịch tiếng Việt vào tháng 10-2003 và hiệu đính vào tháng 9-2004, lúc đầu được phổ biến tại trang nhà tamtangpaliviet.net[21] gồm có 9 tập: (i) Phân tích Giới Tỳ-kheo I; (ii) Phân tích Giới Tỳ-kheo II; (iii) Phân tích Giới Tỳ-kheo-ni; (iv) Đại phẩm I; (v) Đại phẩm II; (vi) Tiểu phẩm I; (vii) Tiểu phẩm II; (viii) Tập yếu I; (ix) Tập yếu II.
2. Phân tích Giới bổn Tỳ-kheo (Bhikkhu Pātimokkha vibhaṅga)
Giới bổn Tỳ-kheo (比丘戒本) còn gọi là Kinh giới Tỳ-kheo (比丘戒經) là bản văn gồm 227 giới điều đối với Luật Thượng Tọa bộ (Theravāda Vinaya),[22] 250 điều của Tỳ-kheo đối với Luật tứ phần (Dharmaguptaka Vinaya), 251 điều đối với Luật ngũ phần (Mahīśāsaka Vinaya), 218 điều đối với Luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika Vinaya), 263 điều đối với Luật thập tụng (Sarvāstivāda Vinaya) và 249 điều đối với Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Vinaya) theo bản Hán văn, 257 điều theo bản Tây Tạng và 263 điều theo bản Sanskrit.
BẢNG ĐỐI CHIẾU GIỚI TỲ-KHEO CỦA CÁC PHÁI LUẬT
Luật Pāli |
Luật tứ phần |
Luật ngũ phần |
Luật Tăng-kỳ |
Luật thập tụng |
Luật Căn Bản Hán văn văn |
Luật Căn Bản Tây Tạng |
Giải thoát giới kinh |
Bản tiếng Phạn |
|
Trục xuất (Pārājika) |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
Tăng tàn (Saṅghādisesa) |
13 |
13 |
13 |
13 |
13 |
13 |
13 |
13 |
13 |
Không xác định (Aniyata) |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya) |
30 |
30 |
30 |
30 |
30 |
30 |
30 |
30 |
30 |
Ưng đối trị (Pācittiya) |
92 |
90 |
91 |
92 |
90 |
90 |
90 |
90 |
90 |
Ưng phát lộ (Pāṭidesanīya) |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
4 |
Điều nên học (Sekhiya) |
75 |
100 |
100 |
66 |
113 |
99 |
107 |
96 |
113 |
Dứt tranh chấp (Adhikaraṇasamathā) |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
Tổng số giới |
227 |
250 |
251 |
218 |
263 |
249 |
257 |
264 |
263 |
3. Phân tích Giới bổn Tỳ-kheo-ni (Bhikkhunī Pātimokkha vibhaṅga)
Giới bổn Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒本) còn gọi là Kinh giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒經) là bản văn có 311 giới điều theo Luật Thượng Tọa bộ (Theravāda Vinaya),[23] 348 điều của Tỳ-kheo-ni theo Luật tứ phần (Dharmaguptaka Vinaya), 380 điều đối với Luật ngũ phần (Mahīśāsaka Vinaya), 290 điều đối với Luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika Vinaya), 354 điều đối với Luật thập tụng (Sarvāstivāda Vinaya) và 361 điều đối với Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Vinaya).
BẢNG ĐỐI CHIẾU GIỚI TỲ-KHEO-NI CỦA CÁC PHÁI LUẬT
Luật Pāli |
Luật tứ phần |
Luật ngũ phần |
Luật Tăng-kỳ |
Luật thập tụng |
Luật Căn Bản |
|
Trục xuất (Pārājika) |
8 |
8 |
8 |
8 |
8 |
8 |
Tăng tàn (Saṅghādisesa) |
17 |
17 |
17 |
19 |
17 |
20 |
Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya) |
30 |
30 |
30 |
30 |
30 |
33 |
Ưng đối trị (Pācittiya) |
166 |
178 |
210 |
141 |
178 |
180 |
Ưng phát lộ (Pāṭidesanīya) |
8 |
8 |
8 |
8 |
8 |
11 |
Điều nên học (Sekhiya) |
75 |
100 |
100 |
77 |
106 |
102 |
Dứt tranh chấp (Adhikaraṇasamathā) |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
7 |
Tổng số giới |
311 |
348 |
380 |
290 |
354 |
361 |
4. Đại phẩm (Mahāvagga, 大品)
Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) là phần đầu của bộ Hợp phần (Khandha, 犍 度) gồm có 10 chương.
(i) Chương quan trọng (Mahākhandhaka, 大犍度, đại kiền-độ) gồm các quy định về xuất gia và thọ giới.
(ii) Chương lễ đọc giới (Uposathakkhandhaka, 布薩犍度, Bố-tát kiền-độ) gồm các quy định về cách xác định ranh giới (sīmā), sám hối, đọc giới.
(iii) Chương an cư mùa mưa (Vassūpanāyikakkhandhaka, 入雨安居犍度, nhập vũ an cư kiền-độ) gồm các quy định về việc tu tập và hành đạo trong an cư mùa mưa.
(iv) Chương tự tứ (Pavāraṇākkhandhaka, 自恣犍度, tự tứ kiền-độ) gồm các quy định về việc Tỳ-kheo tự sám hối khi kết thúc an cư mùa mưa.
(v) Chương da thú (Cammakkhandhaka, 皮革犍度, bì cách kiền-độ) gồm các quy định về dép và các vật dụng được làm bằng da thú.
(vi) Chương dược phẩm (Bhesajjakkhandhaka, 藥犍度, dược kiền-độ) gồm các quy định về dược phẩm, thực vật và cách chữa một số bệnh thông thường.
(vii) Chương y công đức (Kathinakkhandhaka, 迦絺那衣犍度, Ca-hy-na y kiền-độ) gồm các quy định về y công đức khi kết thúc an cư mùa mưa gồm cách may, cách sử dụng và ý nghĩa.
(viii) Chương về y (Cīvarakkhandhaka, 衣犍度, y kiền-độ) gồm các quy định về pháp phục của Tăng đoàn.
(ix) Chương Chiêm-ba (Campeyyakkhandhaka, 瞻波犍度, Chiêm-ba kiền- độ) gồm các quy định về các hoạt động hợp pháp và phi pháp của Tăng đoàn ở Chiêm-ba.
(x) Chương Câu-thiệm-di (Kosambakakkhandhaka, 拘晱弥犍度, Câu- thiệm-di kiền-độ) gồm các quy định về phá hòa hợp Tăng của một số Tỳ-kheo ở Kosambī.
5. Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品)
Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品) là phần cuối của bộ Hợp phần (Khandha, 犍 度) gồm có 12 chương.
(i) Chương hành sự (Kammakkhandhaka, 羯摩犍度, yết-ma kiền-độ) gồm các quy định về hành sự như khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, án treo do không thừa nhận tội, không sửa lỗi và không bỏ ác kiến.
(ii) Chương biệt trú (Parivāsakkhandhaka, 别住犍度, biệt trú kiền-độ) gồm các quy định trị phạt Tỳ-kheo phạm tội Tăng tàn, gồm: ở riêng (Parivāsa), ý hỷ (Mānatta), giải tội (Abbhāna) và phục hồi tư cách Tăng sĩ.
(iii) Chương tích lũy tội (Samuccayakkhandhaka, 集犍度, tập kiền-độ) gồm các quy định về trị phạt Tỳ-kheo tiếp tục phạm tội đang trong giai đoạn biệt trú do vi phạm tội Tăng tàn.
(iv) Chương dứt tranh chấp (Samathakkhandhaka, 滅諍犍度, diệt tránh kiền-độ) gồm các quy định về 7 phương pháp dứt tranh chấp trong Tăng đoàn.
(v) Chương các việc nhỏ (Khuddakavatthukkhandhaka, 小犍度, tiểu kiền- độ) gồm các quy định về các sinh hoạt thường nhật của Tăng đoàn như đắp y, vật dụng, thuyết pháp.
(vi) Chương dụng cụ ngồi và nằm (Senāsanakkhandhaka, 卧坐具犍度, ngọa tọa cụ kiền-độ) gồm các quy định về các dụng cụ ngồi, dụng cụ nằm, xây dựng, quản lý tự viện.
(vii) Chương chia rẽ Tăng đoàn (Saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度, phá Tăng kiền-độ) gồm các quy định về việc chia rẽ Tăng đoàn của Devedatta và cách khắc phục.
(viii) Chương phận sự (Vattakkhandhaka, 儀法犍度, nghi pháp kiền-độ) gồm các quy định về 14 phận sự của người xuất gia như khất thực, ở nhà ăn, sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh, quan hệ thầy trò,…
(ix) Chương đình chỉ thuyết giới (Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhaka, 遮說戒犍度, giá thuyết giới kiền-độ) gồm các quy định về việc đình chỉ thuyết Giới bổn nhằm loại bỏ các Tăng sĩ phạm giới, giữ gìn sự thanh tịnh của Tăng đoàn.
(x) Chương Tỳ-kheo-ni (Bhikkhunīkhandhaka, 比丘尼犍度, Tỳ-kheo-ni kiền-độ) quy định về 8 điều cung kính và 24 điều trở ngại của Ni giới.
(xi) Chương 500 Thánh Tăng kết tập kinh điển lần 1 (Pāñcasatikakkhandhaka, 五百结集犍度, Ngũ bách kết tập kiền-độ) gồm các thông tin về lần biên tập kinh điển thứ nhất với sự tham dự của 500 A-la-hán.
(xii) Chương 700 Thánh Tăng kết tập kinh điển lần 2 (Sattasatikkhandhaka, 七百结集犍度, Thất bách kết tập kiền-độ) gồm các thông tin về lần biên tập kinh điển thứ hai với sự tham dự của 700 A-la-hán.
6. Tập yếu (Parivāra, 附随, Phụ tùy)
Tập yếu là phần phụ lục trong Luật tạng gồm 19 chương nhằm giải đáp các câu hỏi về giới luật được đề cập trong Giới bổn Tỳ-kheo, Giới bổn Tỳ-kheo-ni, Đại phẩm và Tiểu phẩm.
(i) Chương giải thích về các điều luật của Tỳ-kheo (Mahāvibhaṅga, 大分 别, Đại phân biệt), giải đáp về 227 giới Tỳ-kheo liên quan các tội Trục xuất, Tăng tàn, Không xác định, Ưng xả đối trị, Ưng đối trị, Ưng phát lộ, Điều nên học và Bảy cách dứt tranh chấp.
(ii) Chương giải thích về các điều luật Tỳ-kheo-ni (Bhikkhunivibhaṅga, 比 丘尼分别, Tỳ-kheo-ni phân biệt), giải đáp về 311 giới Tỳ-kheo-ni liên quan các tội Trục xuất, Tăng tàn, Ưng xả đối trị, Ưng đối trị, Ưng phát lộ, Điều nên học và Bảy cách dứt tranh chấp.
(iii) Chương tình huống phạm giới (Samuṭṭhānasīsasaṅkhepa, 等起, đẳng khởi) giải đáp về nguyên nhân phạm giới, tình huống phạm giới do thân, do miệng và do ý.
(iv) Chương nguyên nhân phạm giới và cách dứt tranh chấp (Samathabheda, 无间省略和灭诤分解, vô gián tỉnh lược hòa diệt tránh phân giải) giải đáp về các trường hợp phạm giới, 6 nguyên nhân tranh chấp, 18 sự chia rẽ, 6 nguồn sanh tội và 4 cách dứt tranh chấp.
(v) Chương về hợp phần (Khandhakapucchāvāra, 问犍度, vấn kiền-độ) giải đáp về các tội trong chương trong Đại phẩm và Tiểu phẩm.
(vi) Chương tăng theo bậc (Ekuttarikanaya, 增一法, tăng nhất pháp) giới thiệu các nhóm pháp từ 1 đến 11 được nêu trong Kinh phân biệt và Hợp phần.
(vii) Chương Bố-tát (Uposathādipucchāvissajjanā, 布薩解答以及制戒義 利, Bố-tát giải đáp dĩ cập chế giới nghĩa lợi) giải đáp về lễ đọc giới và 10 lợi ích của chế định giới luật.
(viii) Chương thi kệ (Gāthāsaṅgaṇika, 迦陀集, ca-đà tập) gồm tuyển tập các bài thi kệ về các điều nên học của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.
(ix) Chương giải thích về tranh chấp (Adhikaraṇabheda, 諍事分解, tránh sự phân giải) giải thích về 4 tranh chấp và 7 cách dứt trừ.
(x) Chương thi kệ khác (Aparagāthāsaṅgaṇika, 别伽陀集, biệt già-đà kệ) gồm tuyển tập các bài thi kệ khác kết tội, thái độ của người cáo tội, người ngu dốt, người vô liêm sỉ và người thông thái về tội.
(xi) Chương cáo tội (Codanākaṇḍa, 呵責品, ha trách phẩm) giải thích về cách cáo tội, xét xử và làm lễ đọc giới.
(xii) Chương tranh chấp phụ (Cullasaṅgāma, 小諍, tiểu tránh) giải thích về sự phạm tội, các tranh chấp trong Tăng đoàn về phạm tội và các điều học.
(xiii) Chương tranh chấp chính (Mahāsaṅgāma, 大諍, đại tránh) giải thích về tranh chấp về phạm tội, cách xét xử, điều nên làm.
(xiv) Chương y công đức (Kathinabheda, 迦絺那衣, Ca-hy-na y) giải đáp về y công đức, tiếp nhận y và hiệu lực của y.
(xv) Chương năm điều của Ưu-bà-ly (Upālipañcaka, 優婆离五法, Ưu-bà- ly ngũ pháp) đức Phật giải đáp về 5 câu hỏi của Tôn giả Upāli về những vấn đề trong Đại phẩm và Tiểu phẩm.
(xvi) Chương nguồn sinh tội (Atthāpattisamuṭṭhāna, 等起, đẳng khởi) giải đáp về vô ý phạm tội và nguồn gốc của tội Trục xuất (giống chương I, II, III).
(xvii) Chương thi kệ phần 2 (Dutiyagāthāsaṅgaṇika, 第二伽陀集, đệ nhị già-đà tập) giải đáp về 6 tội của thân, các tội của miệng và 12 tội Tăng tàn.
(xviii) Chương thi kệ xuất mồ hôi (Sedamocanagāthā, 發汗谒, phát hãn kệ) gồm tuyển tập các thi kệ về các tội Trục xuất, Không ở chung, Tăng tàn và các tội liên quan.
(xix) Chương 5 điều (Pañcavagga, 五品, ngũ phẩm) giải thích 4 biểu quyết Tăng đoàn, 2 lợi ích và 9 cách tổng hợp.
III. CÁC THUẬT NGỮ LUẬT QUAN TRỌNG
Trục xuất (Pārājika, 滅擯): Thường phiên âm là “Ba-la-di” (波羅夷), dịch là “cực ác” (極惡), “chặt đầu” (đoạn đầu, 斷頭), “vứt bỏ” (khí vô dư, 棄無餘), hay “không ở chung” (bất cộng trụ, 不共住), gồm 4 điều giới nặng nhất, theo đó, Tăng sĩ nào vi phạm sẽ bị trục xuất trọn đời khỏi Tăng đoàn và không còn cơ hội phục hồi tư cách Tăng sĩ nữa. Bên Tăng có 4 giới, đang khi bên Ni có 8 giới trục xuất bao gồm: (i) Quan hệ tình dục với người hoặc động vật; (ii) Trộm cắp tài sản; (iii) Giết người, xúi giục, đồng lõa, ủng hộ giết người; (iv) Tuyên bố lừa dối rằng mình là Thánh nhân, chứng đắc thiền định; (v) Tiếp xúc cơ thể người nam; (vi) Cho người nam chạm cơ thể; (vii) Che giấu đồng tu phạm tội trục xuất; (viii) Đi theo thầy Tăng bị tố giác.
Tăng tàn (Saṅghādisesa, 僧残): Thường phiên âm là “Tăng-già-bà-thi-sa” (僧伽婆尸沙) gồm 13 tội nặng đối với Tăng, trong đó, 9 giới đầu, hễ phạm là thành tội, còn 4 giới sau, sau ba lần khuyên mà không buông bỏ, mới tính phạm tội. Bất kỳ Tăng sĩ nào vi phạm tội Tăng tàn đã làm tư cách Tăng sĩ của mình bị tàn phế (tàn mệnh, 殘命) hoặc “tàn khuyết bất toàn” (殘缺不全), tức bị sứt mẻ, không còn trọn vẹn phẩm chất Tỳ-kheo. 13 giới Tăng tàn đối với Tăng bao gồm: (i) Thủ dâm xuất tinh; (ii) Chạm thân người nữ; (iii) Nói lời dâm dục; (iv) Đòi hiến dâm dục; (v) Làm người mai mối; (vi) Làm thất quá mức quy định và không do chư Tăng chỉ định; (vii) Không thỉnh chỉ định từ chư Tăng; (viii) Vu khống phỉ báng; (ix) Phỉ báng một chiều; (x) Phá hòa hợp Tăng; (xi) Hỗ trợ phá Tăng; (xii) Hoen ố tín đồ; (xiii) Ngoan cố chống cự. Bên Tỳ-kheo-ni có 17 giới Tăng tàn, bao gồm 13 điều của Tăng và thêm các giới sau đây: (xiv) Cùng người làm ác; (xv) Khuyên đừng tách chúng; (xvi) Bỏ Ba ngôi báu; (xvii) Cho rằng Ni đoàn còn si mê. Muốn phục hồi tư cách Tăng sĩ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm giới Tăng tàn phải bị phạt sống biệt trú bằng với thời gian giấu tội, chịu phép “ý hỷ” (mānatta, 意喜) trong 6 ngày dành cho chư Tăng và đối với chư Ni thì 14 ngày để chứng minh sự tiến bộ của bản thân. Phép làm xóa tội, Tỳ-kheo phải có sự chứng minh của 20 vị Tỳ-kheo, đang khi Tỳ-kheo-ni phải có 20 vị Tỳ-kheo, cùng với 20 Tỳ-kheo-ni mới được xem là hợp lệ.
Chưa xác định (Aniyata, 不定): Chỉ áp dụng với Tăng, không áp dụng với Ni, gồm hai trường hợp, Tăng sĩ ngồi một mình với phụ nữ ở chỗ có thể hành dâm, nhưng chưa thể xác định giới nào đã phạm, cho đến khi có người chân thật làm chứng thuyết phục và chính Tăng sĩ đó thừa nhận mình vi phạm tội Trục xuất hay tội Tăng tàn.
Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya, 舍懺): Thường phiên âm là “Ni-tát- kỳ Ba-dật-đề” (尼薩耆波逸提) được dịch là “xả đọa” (捨墮) trong Hán tạng hay “Ưng xả đối trị” (應捨對治) trong Luật Nam tông. Tăng sĩ nào vi phạm 1/30 điều giới này thì các vật dụng không được phép giữ hoặc giữ sai phép sẽ bị Tăng đoàn tịch thu, tức phải xả bỏ các vật dụng (捨), đồng thời phải sám hối lỗi này với Tỳ-kheo khác.
Ưng đối trị (Pācittiya, 懺悔): Thường phiên âm là “Ba-dật-đề” (波逸提), “Ba-dạ-đề” (波夜提), “Ba-dật-để-ca” (波逸底迦) và được dịch là “đơn đọa” (單墮) hay “Ưng đối trị” (應對治) gồm 90 lỗi nhỏ. Tăng sĩ nào vi phạm các điều giới này chỉ cần sám hối trước Tỳ-kheo khác là hết tội.
Ưng phát lộ (Pāṭidesanīya, 應發露): Thường được dịch là “hối quá” (悔 過) hay “tự ưng phát lộ” (自應發露), gồm 4 lỗi, theo đó, Tăng sĩ vi phạm phải tự nói lỗi trước Tỳ-kheo để được thứ lỗi và làm mới. Bốn lỗi này gồm: (i) Ăn đồ của Ni; (ii) Ăn các thức ăn Ni chỉ bảo; (iii) Ăn của tín chủ nghèo; (iv) Ăn ở chỗ đáng sợ.
Điều nên học (Sekhiya hay Sikkhākaraṇīya, 学法): Thường được dịch là “Chúng học pháp” (眾学法) hay “Ưng học pháp” (應学法) gồm 100 điều nên học liên hệ đến oai nghi của Tăng sĩ, mặc pháp phục, ăn uống, vệ sinh cá nhân, tôn kính tháp, xá-lợi và cách thuyết pháp cho người tại gia.
Dứt tranh chấp (Adhikaraṇasamathā dhammā, 滅諍): Thường được dịch là “Diệt tránh” (滅諍) gồm 7 nguyên tắc hòa giải và kết thúc tranh chấp: (i) Nguyên tắc hai bên có mặt; (ii) Nguyên tắc đương sự nhớ lại; (iii) Nguyên tắc không còn tâm thần; (iv) Nguyên tắc tự trình bày tội; (v) Nguyên tắc điều tra vết tội; (vi) Nguyên tắc phục tùng số đông; (vii) Nguyên tắc như cỏ che đất.
Thâu-lan-giá (Thullaccaya, 偷蘭遮): Tội thô (粗罪) hay tội nặng (重罪), chỉ đứng sau tội Trục xuất và tội Tăng tàn về mức độ nghiêm trọng.
Đột-kiết-la (突吉羅, S. Duṣkṛta, P. Dukkaṭa): Thường được dịch là “Ác tác” (惡作) hay “Ác hành” (惡行) tức làm các hành vi xấu, không phù hợp với phẩm hạnh Tỳ-kheo.
Ác ngữ (Dubbhāsita, 惡語): Còn gọi là “Ác thuyết” (悪説), “Ác khẩu” (惡口), “Hoại thoại” (壞話) gồm những lời nói xấu, mắng nhiếc, thuộc loại tội nhẹ (輕罪).
Biệt trú (Parivāsa, 別住): Không được sống chung với Tăng đoàn, hình thức trị phạt bước đầu đối với Tỳ-kheo phạm 1/13 giới Tăng tàn bằng với thời gian phạm giới này. Sau đó, người phạm giới phải chịu phép “Ý hỷ” (意喜) trong sáu ngày, để chứng minh sự tiến bộ, theo đó, 20 thành viên Tăng đoàn hoan hỷ làm phép giải tội.
Bố-tát (Uposatha, 布薩): Lễ đọc Giới bổn trong ngày trăng tròn. Rằm và mùng một là “ngày đọc giới” (說戒日) để Tăng đoàn được tăng trưởng điều lành (trưởng tịnh, 長淨), do vậy, Tăng đoàn và Ni đoàn ở mỗi trú xứ phải hội tụ về địa điểm riêng của mỗi bên, làm lễ đọc giới. Tại các chùa Bắc tông, ngoài việc đọc giới xuất gia, còn đọc tám giới (bát quan trai giới, 八齋戒) cho Phật tử tại gia nên “Bố-tát” còn được dịch không sát nghĩa là “ngày trai” (齋日), “ngày trai giới” (齋戒日), “ngày tuân thủ tám giới” (遵守八戒日).
Hết tội (Abbhāna, 出罪): Còn gọi là phép xá tội (拔除罪法), giải tội, xuất tội, là sự công bố Tỳ-kheo phạm giới Tăng tàn đã hết tội, sau khi Tỳ-kheo này đã tuân thủ hình phạt “Không sống chung với Tăng đoàn” (Biệt trú), chịu phép “Ý hỷ” (意喜) trong 6 ngày, có tiến bộ thật sự và Tăng đoàn hài lòng về sự tiến bộ đó. Phép làm giải tội để phục hồi (abbhāna) tư cách Tăng sĩ buộc phải hội đủ 20 Tỳ-kheo làm yết-ma hết tội (出罪羯磨).
Tự tứ (Pavāraṇā, 自恣): Thỉnh cầu (pavāreti, 邀請) chỉ lỗi (非) giữa các thành viên Tăng đoàn trong ngày kết thúc an cư mùa mưa (雨安居) để giúp Tăng đoàn giữ giới thanh tịnh, hòa hợp, tiến bộ trong học Phật và tu Phật.
Ý hỷ (Mānatta, 意喜): Thường được phiên âm là “Ma-na-đỏa” (摩那埵), là hình thức phạt Tỳ-kheo phạm giới Tăng tàn “Không được sống chung với Tăng đoàn” (Biệt trú, 別住) phải nỗ lực tự hối lỗi, ít nhất trong 6 ngày để chứng minh sự tiến bộ, theo đó, 20 thành viên Tăng đoàn hoan hỷ làm lễ xá tội.
Xả giới (捨戒): Bỏ các giới đã tiếp nhận (捨棄所受的戒), còn gọi là “xả giới hoàn tục” (捨戒還俗), có nghĩa là “bỏ giới Tăng sĩ làm người tại gia.” Có hai trường hợp xả giới. Trường hợp thứ nhất là người xả giới do không muốn tu nữa nên tình nguyện xả giới, trở về đời sống tại gia; đến thời điểm đó hoàn toàn không hề phạm giới Trục xuất hay Tăng tàn. Trường hợp thứ hai là người phạm tội Trục xuất nên bị Tăng đoàn buộc phải xả giới, vĩnh viễn mất tư cách làm Tăng sĩ.
***
Bản dịch tiếng Việt của Thượng tọa Indacanda về Luật tạng Pāli đóng góp to lớn vào việc hoàn thành ấn bản Tam tạng Pāli của Thượng Tọa bộ tại Việt Nam. Nhờ dịch trực tiếp từ bản Pāli trong ấn bản Tam tạng Tích Lan,[24] có tham khảo bản dịch tiếng Anh của bà I. B. Horner,[25] bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Bửu Chơn, tôi tin rằng bản dịch của Thượng tọa Indacanda trung thành với nguyên tác Pāli, văn phong tiếng Việt trong sáng rõ ràng.
Dịch phẩm này giúp người đọc hiểu rõ nguyên nhân chế giới, tình huống phạm giới, tình huống không phạm giới, cách sám hối, nhờ đó giữ gìn chánh niệm, tỉnh thức, làm chủ các giác quan trong đi, đứng, nằm, ngồi; không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng; giữ giới thanh tịnh, trang nghiêm; xả bỏ tâm tham ái, sân hận, si mê; trở thành bậc chân Tăng, chân Ni trong hiện tại và trở thành bậc tiệm cận Thánh nhân, đạt được giác ngộ, giải thoát trong tương lai.
Thành kính tán dương công đức của Thượng tọa Indacanda khi đồng ý cho Ban Biên tập giới thiệu dịch phẩm này trong Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, đồng thời hồi hướng công đức đến tất cả người Việt Nam được trải nghiệm chân lý Phật, sống an vui, hạnh phúc trong cuộc đời.
Chùa Giác Ngộ, 26-02-2022
TT.TS. THÍCH NHẬT TỪ
(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển PGVN)
Hòa thượng Thích Minh Châu dấn thân vào sự nghiệp dịch thuật rất sớm. Hòa thượng đã dịch và ấn hành Kinh Trường bộ từ năm 1965 (tập I), 1967 (tập II), 1972 (tập III, IV). Các năm kế tiếp, Hòa thượng cho ấn hành các tập Kinh Trung bộ: 1973 (tập I), 1974 (tập II, III). ↑
Còn thiếu 6 quyển trong Kinh Tiểu bộ: Diễn giải, Phân tích đạo, Thánh nhân ký sự, Phật sử, Hạnh tạng và Milinda vấn đạo. ↑
Xem bảng đối chiếu chi tiết giới Tỳ-kheo của Thượng Tọa bộ với 5 trường phái Luật Phật giáo trong Giới bổn Tỳ-kheo của Luật tứ phần, Thích Nhật Từ dịch và chú thích (Hà Nội: NXB. Hồng Đức, 2021), tr. 72-89. ↑
Các thuật ngữ Cāturvargīya Vinaya, Pañcavargika Vinaya, Daśa-bhāṇavāra Vinaya do dịch giả đời sau dịch từ chữ Hán sang Sanskrit sử dụng. Cho đến ngày nay, các học giả chưa tìm ra bộ gốc có các thuật ngữ Sanskrit này. ↑
Tứ phần luật (四分律) được đánh số trong Đại Chánh là T.1428-34. ↑
Di-sa-tắc ngũ phần luật (弥沙塞五分律) được đánh số trong Đại Chánh là T.1421-24. ↑
Ma-ha Tăng-kỳ luật (摩訶僧祇律) được đánh số trong Đại Chánh là T.1425-27. ↑
Thập tụng luật (十誦律) được đánh số trong Đại Chánh là T.1435-41. ↑
Theo Xuất tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.3. 0020a13). ↑
Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (根本說一切有部律) được đánh số trong Đại Chánh là T.1442-59. ↑
Bản Trung văn của Diệu Thông về Kinh phân biệt (經分別): http://tripitaka.cbeta.org/N01n0001 hoặc https://dhammarain.github.io/canon/vinaya/Vinaya-1-Han-Yuan-Hen.html (truy cập ngày 26-02-2022). ↑
Bản Trung văn của Diệu Thông về Kinh phân biệt (經分別) tiếp theo: http://tripitaka.cbeta.org/ N02n0001 hoặc https://dhammarain.github.io/canon/vinaya/Vinaya-2-Han-Yuan-Hen.html (truy cập 26-02-2022). ↑
Bản Trung văn của Diệu Thông về Hợp phần (犍度): http://tripitaka.cbeta.org/N04n0001 hoặc https:// dhammarain.github.io/canon/vinaya/Vinaya-4-Han-Yuan-Hen.html (truy cập ngày 26-02-2022). ↑
Bản Trung văn của Diệu Thông về Tập yếu (附隨, Phụ tùy): http://tripitaka.cbeta.org/N05n0001 hoặc https://dhammarain.github.io/canon/vinaya/Vinaya-5-Han-Yuan-Hen.html (truy cập ngày 26-02-2022). ↑
Puṇyatāra (功德華) thường được phiên âm là Phất-nhã-đa-la (弗若多羅) hay Bất-nhã-đa-la (不若多罗) là người Kashmir (罽賓). ↑
Tham chiếu: Xuất tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.3. 0020a29-b02): “羅什法師於長安逍 遙園三千僧中共譯出之. 始得二分餘未及竟. 而多羅亡.” ↑
Có giả thuyết thay thế ngài Trí Thắng (智勝) với ngài Đạo Sanh (道生, 355-434). ↑
Cao Tăng Pháp Hiển truyện 高僧法顯傳 (T.51. 2085. 0865c24): 法顯住此國二年更求得彌沙塞律藏本. ↑
Theo Khai Nguyên Thích giáo lục, quyển 3: 摩訶僧祇四十卷 (或云三十卷梵本是法顯於摩竭提國將來義熙十二年十一月於鬪場寺共法顯出見竺道祖錄祐在顯錄據共譯故耳). Niên hiệu Nghĩa Hy (義熙) chỉ có 14 năm, năm thứ 14 tức là năm 418. ↑
Tuy thông tin Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ được cho là Luật tạng của Phật giáo Tây Tạng, nhưng khi so sánh bản luật trong Hán tạng và bản Tạng ngữ ngày nay cũng có sự khác biệt giữa nhóm Điều nên học (Sekhiyā). ↑
https://www.tamtangPāliviet.net/VHoc/VHoc_CBDM.htm (truy cập ngày 10-01-2021). ↑
Xem chi tiết 227 giới Tỳ-kheo của Thượng Tọa bộ đối chiếu với 5 trường phái Luật Phật giáo trong quyển Lý Phụng My, Nghiên cứu giới Tỳ-kheo của Thượng Tọa bộ: Đối chiếu với năm phái Luật Phật giáo, Thích Nhật Từ dịch (Hà Nội: NXB. Hồng Đức, 2021), tr. 69-501. ↑
Xem chi tiết 311 giới Tỳ-kheo-ni của Thượng Tọa bộ trong Phụ lục “Giới Tỳ-kheo-ni của Thượng Tọa bộ bằng tiếng Việt, Pāli và Trung văn” trong quyển Giới bổn Tỳ-kheo-ni của Luật tứ phần, Thích Nhật Từ dịch và chú thích (Hà Nội: NXB. Hồng Đức, 2021), tr. 94-180. ↑
Xem https://tipitaka.wordpress.com/2007/05/21/buddhajayanthi-edition; https://www.ancient- buddhist-texts.net/Buddhist-Texts/V6-Patimokkha-BJT/index.htm#Preface. ↑
Có thể tham khảo trọn bộ 6 quyển của Luật tạng Pāli qua bản dịch của I. B. Horner, The Book of the Discipline. (Oxford: The Pali Text Society, 2004).
Tập 1: https://obo.genaud.net/resources/pdf/pts/vp/bod.01.horn.pts.pdf
Tập 2: https://obo.genaud.net/resources/pdf/pts/vp/bod.02.horn.pts.pdf
Tập 3: https://obo.genaud.net/resources/pdf/pts/vp/bod.03.horn.pts.pdf
Tập 4: https://obo.genaud.net/resources/pdf/pts/vp/bod.04.horn.pts.pdf
Tập 5: https://obo.genaud.net/resources/pdf/pts/vp/bod.05.horn.pts.pdf
Tập 6: https://obo.genaud.net/resources/pdf/pts/vp/bod.06.horn.pts.pdf ↑