Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »

PHÂN TÍCH GIỚI BỔN 
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA

Mục Lục

6.8.3. ĐIỀU HỌC VỀ SỰ GIẢ VỜ NGU DỐT

 

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư sau khi hành xử không đúng nguyên tắc [nghĩ rằng]: “Hãy để các vị hay biết rằng: ‘Chúng ta đã phạm tội vì không biết’”, rồi trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng lại nói như vầy: “Ngay giờ đây, chúng tôi mới hay biết rằng điều học này đã được truyền lại trong Giới bổn, đã được đầy đủ trong Giới bổn và được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng.”

2. Các Tỳ-khưu ít ham muốn, ...(nt)... các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng lại nói như vầy: ‘Ngay giờ đây, chúng tôi mới hay biết rằng điều học này đã được truyền lại trong Giới bổn, đã được đầy đủ trong Giới bổn và được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng?’” ...(nt).

– Này các Tỳ-khưu, nghe nói trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng, các ngươi nói như vầy: “Ngay giờ đây, chúng tôi mới hay biết rằng điều học này đã được truyền lại trong Giới bổn, đã được đầy đủ trong Giới bổn và được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng”, có đúng không vậy?

– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

– ...(nt)... Này những kẻ rồ dại, vì sao trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng, các ngươi lại nói như vầy: “Ngay giờ đây, chúng tôi mới hay biết rằng điều học này đã được truyền lại trong Giới bổn, đã được đầy đủ trong Giới bổn và được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng?” Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu nào trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng vào mỗi nửa tháng lại nói như vầy: ‘Ngay giờ đây, tôi mới hay biết rằng điều học này đã được truyền lại trong Giới bổn, đã được đầy đủ trong Giới bổn và được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng.’ Nếu các vị Tỳ-khưu khác biết rõ về vị Tỳ-khưu ấy rằng: ‘Vị Tỳ-khưu này trước đây đã có ngồi hai hoặc ba lần trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng, nói nhiều hơn nữa làm gì.’ Vị Tỳ-khưu ấy không có được sự vô tội vì không biết. Và trong trường hợp đó, [vị ấy] đã vi phạm tội nào thì nên được hành xử theo pháp về tội ấy. Hơn nữa, sự ngu dốt nên được khẳng định đối với vị ấy rằng: ‘Này Đại đức, ngươi đây không có sự lợi ích, ngươi đây đã nhận lãnh điều xấu là việc trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng, ngươi lại không khéo chăm chú và tác ý.’ Đây là tội Pācittiya trong sự ngu dốt ấy.

3. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).

Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vào mỗi nửa tháng: Vào mỗi kỳ lễ Uposatha.

Trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng: Trong khi [vị đọc Giới bổn] đang đọc tụng.

Nói như vầy: Sau khi hành xử không đúng nguyên tắc, vị [nghĩ rằng]: “Hãy để các vị hay biết rằng: ‘Ta đã phạm tội vì không biết’”, rồi trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng lại nói như vầy: “Ngay giờ đây, tôi mới hay biết rằng điều học này đã được truyền lại trong Giới bổn, đã được đầy đủ trong Giới bổn và được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng” thì phạm tội Dukkaṭa.

4. Nếu các vị Tỳ-khưu khác biết rõ về vị Tỳ-khưu có ý định giả vờ ngu dốt ấy rằng: “Vị Tỳ-khưu này trước đây đã có ngồi hai hoặc ba lần trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng, nói nhiều hơn nữa làm gì.” Vị Tỳ-khưu ấy không có được sự vô tội vì không biết. Và trong trường hợp đó, [vị ấy] đã vi phạm tội nào thì nên được hành xử theo pháp về tội ấy. Hơn nữa, sự ngu dốt của vị ấy nên được khẳng định. Và này các Tỳ-khưu, nên khẳng định như vầy. Hội chúng cần được thông báo bởi vị Tỳ-khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị Tỳ-khưu này tên [như vầy] không khéo chăm chú và tác ý trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên khẳng định về sự ngu dốt của vị Tỳ-khưu tên [như vầy]. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị Tỳ-khưu này tên [như vầy] không khéo chăm chú và tác ý trong lúc Giới bổn (Pātimokkha) đang được đọc tụng. Hội chúng khẳng định về sự ngu dốt của vị Tỳ-khưu tên [như vầy]. Đại đức nào đồng ý việc khẳng định về sự ngu dốt của vị Tỳ-khưu tên [như vầy] xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự ngu dốt của vị Tỳ-khưu tên [như vầy] đã được hội chúng khẳng định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Khi sự ngu dốt chưa được khẳng định, vị giả vờ ngu dốt thì phạm tội Dukkaṭa. Khi sự ngu dốt đã được khẳng định, vị giả vờ ngu dốt thì phạm tội Pācittiya.

Hành sự đúng pháp, nhận biết là hành sự đúng pháp, vị giả vờ ngu dốt thì phạm tội Pācittiya. Hành sự đúng pháp, có sự hoài nghi, vị giả vờ ngu dốt thì phạm tội Pācittiya. Hành sự đúng pháp, [lầm] tưởng là hành sự sai pháp, vị giả vờ ngu dốt thì phạm tội Pācittiya.

Hành sự sai pháp, [lầm] tưởng là hành sự đúng pháp thì phạm tội Dukkaṭa. Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp thì vô tội.

Vị chưa được nghe [Giới bổn được đọc tụng] một cách chi tiết, vị đã được nghe [Giới bổn được đọc tụng] một cách chi tiết chưa tới hai hoặc ba lần, vị không có ý định giả vờ ngu dốt, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Điều học về sự giả vờ ngu dốt là thứ ba.

--oo0oo--