Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, Đại đức Dabba Mallaputta phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng. Và vị Đại đức ấy có y đã tàn tạ. Vào lúc bấy giờ, có một y được phát sanh đến hội chúng. Khi ấy, hội chúng đã cho y ấy đến Đại đức Dabba Mallaputta. Các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Các Tỳ-khưu trao phần lợi lộc thuộc về hội chúng thuận theo sự quen biết.”
2. Các Tỳ-khưu ít ham muốn, ...(nt)... các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư cùng với hội chúng hợp nhất đã cho y, sau đó lại tiến hành việc phê phán?” ...(nt).
– Này các Tỳ-khưu, nghe nói các ngươi cùng với hội chúng hợp nhất đã cho y, sau đó lại tiến hành việc phê phán, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– ...(nt)... Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi cùng với hội chúng hợp nhất đã cho y, sau đó lại tiến hành việc phê phán vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu nào cùng với hội chúng hợp nhất đã cho y, sau đó lại tiến hành việc phê phán rằng: ‘Các Tỳ-khưu trao phần lợi lộc thuộc về hội chúng thuận theo sự quen biết’ thì phạm tội Pācittiya.”
3. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).
Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Hội chúng hợp nhất nghĩa là có sự đồng cộng trú được thiết lập trong cùng ranh giới.
Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y [có kích thước] tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung.
[Sau khi] đã cho: Sau khi đích thân cho.
Thuận theo sự quen biết nghĩa là thuận theo tình bạn bè, thuận theo sự đồng quan điểm, thuận theo sự thân thiết, thuận theo sự có chung thầy tế độ, thuận theo sự có chung thầy dạy học.
Thuộc về hội chúng nghĩa là đã được dâng đến, đã được giao hẳn cho hội chúng.
Lợi lộc nghĩa là các vật dụng như là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và dược phẩm trị bệnh, ngay cả cục bột tắm, gỗ chà răng, nắm chỉ rời.
Sau đó lại tiến hành việc phê phán: Khi y đã được cho đến vị đã tu lên bậc trên được hội chúng chỉ định làm vị phân bố chỗ trú ngụ, hoặc làm vị sắp xếp bữa ăn, hoặc làm vị phân chia cháo, hoặc làm vị phân chia trái cây, hoặc làm vị phân chia thức ăn khô, hoặc làm vị phân chia vật linh tinh, vị phê phán thì phạm tội Pācittiya.
Hành sự đúng pháp, nhận biết là hành sự đúng pháp, khi y đã được cho, vị phê phán thì phạm tội Pācittiya. Hành sự đúng pháp, có sự hoài nghi, khi y đã được cho, vị phê phán thì phạm tội Pācittiya. Hành sự đúng pháp, [lầm] tưởng là hành sự sai pháp, khi y đã được cho, vị phê phán thì phạm tội Pācittiya.
Khi vật dụng khác đã được cho, vị phê phán thì phạm tội Dukkaṭa. Khi y hoặc vật dụng khác đã được cho đến vị đã tu lên bậc trên không được hội chúng chỉ định làm vị phân bố chỗ trú ngụ, hoặc làm vị sắp xếp bữa ăn, hoặc làm vị phân chia cháo, hoặc làm vị phân chia trái cây, hoặc làm vị phân chia thức ăn khô, hoặc làm vị phân chia vật linh tinh, vị phê phán thì phạm tội Dukkaṭa.
Khi y hoặc vật dụng khác đã được cho đến người chưa tu lên bậc trên được chỉ định hoặc không được chỉ định bởi hội chúng làm vị phân bố chỗ trú ngụ, hoặc làm vị sắp xếp bữa ăn, hoặc làm vị phân chia cháo, hoặc làm vị phân chia trái cây, hoặc làm vị phân chia thức ăn khô, hoặc làm vị phân chia vật linh tinh, vị phê phán thì phạm tội Dukkaṭa.
Hành sự sai pháp, [lầm] tưởng là hành sự đúng pháp thì phạm tội Dukkaṭa. Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp thì phạm tội Dukkaṭa.
Vị phê phán [hội chúng] đang hành động theo thói thường vì ưa thích, vì sân hận, vì si mê, vì sợ hãi rằng: “Lợi ích gì với việc cho đến vị ấy? Thậm chí khi nhận được rồi, [vị ấy] sẽ phí phạm, sẽ không bảo quản đúng đắn”; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Điều học về vị Dabba là thứ mười một.
--oo0oo--