Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »

PHÂN TÍCH GIỚI BỔN 
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA

Mục Lục

6.3.5. ĐIỀU HỌC VỀ CHO Y

 

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị Tỳ-khưu nọ đi khất thực ở con đường nọ trong thành Sāvatthi. Có vị Tỳ-khưu-ni nọ cũng đi khất thực ở con đường ấy. Khi ấy, vị Tỳ-khưu ấy đã nói với vị Tỳ-khưu-ni ấy điều này:

– Này Sư tỷ, hãy đi. Vật thực được bố thí ở chỗ kia.

Vị Ni ấy cũng đã nói như vầy:

– Thưa ngài, hãy đi. Vật thực được bố thí ở chỗ kia.

Do sự gặp gỡ thường xuyên, họ đã trở nên thân thiết.

2. Vào lúc bấy giờ, y của hội chúng được chia ra. Khi ấy, vị Tỳ-khưu-ni ấy sau khi đi việc giáo giới đã đi đến gặp vị Tỳ-khưu ấy, sau khi đến đã đảnh lễ vị Tỳ-khưu ấy rồi đứng ở một bên. Vị Tỳ-khưu ấy đã nói với vị Tỳ-khưu-ni ấy đang đứng một bên điều này:

– Này Sư tỷ, đây là phần chia y của tôi; chị nên nhận lấy.

– Thưa ngài, xin vâng. Y của tôi đã tàn tệ.

Khi ấy, vị Tỳ-khưu ấy đã cho y đến vị Tỳ-khưu-ni ấy. Ngay cả y của vị Tỳ-khưu ấy cũng đã tàn tệ. Các Tỳ-khưu đã nói với vị Tỳ-khưu ấy điều này:

– Này Đại đức, bây giờ hãy làm y của Đại đức đi.

Khi ấy, vị Tỳ-khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu.

3. Các Tỳ-khưu ít ham muốn, ...(nt)... các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Tỳ-khưu lại cho y đến Tỳ-khưu-ni?” ...(nt).

– Này Tỳ-khưu, nghe nói ngươi cho y đến Tỳ-khưu-ni, có đúng không vậy?

– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

– Này Tỳ-khưu, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?

– Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.

– Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì đúng hay không đúng đối với người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cho y đến Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu nào cho y đến Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến thì phạm tội Pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-khưu như thế.

4. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu trong lúc ngần ngại không đưa y ra trao đổi với các Tỳ-khưu-ni. Các Tỳ-khưu-ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các ngài Đại đức lại không đưa y ra trao đổi với chúng tôi?” Các Tỳ-khưu đã nghe được các Tỳ-khưu-ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã nói pháp thoại rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:

– Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép đưa ra trao đổi với năm hạng là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, cô Ni tu tập sự, Sa-di, Sa-di-ni. Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép đưa ra trao đổi với năm hạng này. Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu nào cho y đến Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến thì phạm tội Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi.”

5. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).

Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

[Người nữ] không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ-khưu-ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y [có kích thước] tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung.

Ngoại trừ sự trao đổi: Trừ ra sự trao đổi, vị cho [y] thì phạm tội Pācittiya.

Không phải là nữ thân quyến, nhận biết không phải là nữ thân quyến, vị cho y thì phạm tội Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi. Không phải là nữ thân quyến, có sự hoài nghi, vị cho y thì phạm tội Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi. Không phải là nữ thân quyến, [lầm] tưởng là nữ thân quyến, vị cho y thì phạm tội Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi.

Vị cho y đến cô Ni tu lên bậc trên ở một hội chúng thì phạm tội Dukkaṭa, ngoại trừ sự trao đổi. Là nữ thân quyến, [lầm] tưởng không phải là nữ thân quyến thì phạm tội Dukkaṭa. Là nữ thân quyến, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Là nữ thân quyến, nhận biết là nữ thân quyến thì vô tội.

Với vị [Tỳ-khưu-ni] là nữ thân quyến, sự trao đổi vật lớn bằng vật nhỏ hoặc vật nhỏ bằng vật lớn, vị Tỳ-khưu-ni lấy do sự thân thiết, vị Ni lấy trong một thời hạn, vị cho vật dụng khác ngoại trừ y, [cho đến] cô Ni tu tập sự, [cho đến] Sa-di-ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Điều học về cho y là thứ năm.

--oo0oo--