Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, Đại đức Upananda, con trai dòng Sakya là rành rẽ về việc may y. Vị ấy đã làm y hai lớp được nhuộm khéo léo và được sửa soạn khéo léo từ các loại vải cũ, sau khi làm xong đã khoác vào. Khi ấy, có vị du sĩ ngoại đạo nọ mặc tấm choàng trị giá cao đã đi đến gặp Đại đức Upananda, con trai dòng Sakya, sau khi đến đã nói với Đại đức Upananda, con trai dòng Sakya điều này:
– Này Đại đức, y hai lớp này của ngài đẹp thật. Hãy đổi cho tôi với tấm choàng này.
– Này đạo hữu, hãy biết lấy.
– Này Đại đức, được rồi. Tôi biết mà.
– Này đạo hữu, tốt thôi.
Rồi [họ] đã trao đổi. Sau đó, vị du sĩ ngoại đạo ấy đã khoác lên y hai lớp ấy, rồi đi đến tu viện của các du sĩ ngoại đạo. Các du sĩ ngoại đạo đã nói với vị du sĩ ngoại đạo ấy điều này:
– Này huynh đệ, y hai lớp này của ngươi đẹp thật. Ngươi nhận được từ đâu vậy?
– Này các huynh đệ, đã được trao đổi bằng tấm choàng kia của tôi.
– Này huynh đệ, y hai lớp này của ngươi sẽ được bao nhiêu ngày? Chính tấm choàng kia của ngươi mới giá trị.
2. Khi ấy, vị du sĩ ngoại đạo ấy [nghĩ rằng]: “Các du sĩ ngoại đạo đã nói sự thật. Y hai lớp này của ta sẽ được bao nhiêu ngày? Chính tấm choàng kia của ta mới giá trị”, rồi đã đi đến gặp Đại đức Upananda, con trai dòng Sakya, sau khi đến đã nói với Đại đức Upananda, con trai dòng Sakya điều này:
– Này Đại đức, đây là y hai lớp của Đại đức. Hãy cho lại tôi tấm choàng.
– Này đạo hữu, không phải ta đã nói với đạo hữu rằng: “Này đạo hữu, hãy biết lấy.” Ta sẽ không cho lại.
3. Khi ấy, vị du sĩ ngoại đạo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Ngay cả người tại gia còn cho lại vật ấy đến người tại gia có sự luyến tiếc. Sao vị xuất gia lại không cho lại vị xuất gia?” Các Tỳ-khưu đã nghe được vị du sĩ ngoại đạo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Đại đức Upananda, con trai dòng Sakya lại tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo?” Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– Này Upananda, nghe nói ngươi tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu nào tiến hành việc mua bán dưới nhiều hình thức thì [vật ấy] nên được xả bỏ và [vị ấy] phạm tội Pācittiya.”
4. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).
Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Dưới nhiều hình thức nghĩa là các vật dụng như là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, thuốc men chữa bệnh, thậm chí cục bột tắm, gỗ chà răng, nắm chỉ rời.
Tiến hành việc mua bán: [Nói rằng]: “Hãy cho vật này với vật này, hãy mang lại vật này với vật này, hãy trao đổi vật này với vật này, hãy mua vật này với vật này”, vị tiến hành thì phạm tội Dukkaṭa. Khi nào có vật được mua và vật được bán, [tức là] vật của bản thân được đến tay người kia và vật của người kia được đến tay của bản thân thì phạm vào tội Nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các Tỳ-khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(nt)... “Bạch các ngài, tôi đã tiến hành việc mua bán dưới nhiều hình thức, vật này nên được tôi xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(nt)... hội chúng nên cho lại ...(nt)... chư Đại đức nên cho lại ...(nt)... “Tôi cho lại Đại đức.”
5. Việc mua bán, nhận biết là việc mua bán thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Việc mua bán, có sự hoài nghi thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Việc mua bán, [lầm] tưởng không phải là việc mua bán thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Không phải là việc mua bán, [lầm] tưởng là việc mua bán thì phạm tội Dukkaṭa. Không phải là việc mua bán, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Không phải là việc mua bán, nhận biết không phải là việc mua bán thì vô tội.
6. Vị hỏi trị giá [của vật], vị chỉ bảo người làm cho đúng phép, vị nói rằng: “Chúng ta có vật này, chúng ta cần vật này và vật này”, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học về việc mua bán.
Phẩm Tơ tằm là thứ nhì.
--oo0oo--
TÓM LƯỢC PHẦN NÀY
Tơ tằm, thuần [màu đen], hai phần, sáu năm, tấm lót ngồi, hai điều về lông cừu, về việc nhận lấy, cả hai dưới nhiều hình thức.
--oo0oo--