Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »

PHÂN TÍCH GIỚI BỔN 
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA

Mục Lục

5.1.5. ĐIỀU HỌC VỀ NHẬN LÃNH Y

 

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā trú ngụ tại thành Sāvatthi. Khi ấy vào buổi sáng, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đã đi khất thực trong thành Sāvatthi, trong lúc đi khất thực trở về sau bữa ăn, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã đi đến khu rừng Andha để nghỉ trưa. Sau khi đi sâu vào trong khu rừng Andha, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã ngồi nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Vào lúc bấy giờ, bọn trộm cướp khi hành sự được hoàn tất đã giết chết con bò cái, lấy phần thịt, rồi đi vào khu rừng Andha. Thủ lãnh bọn cướp đã nhìn thấy Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đang ngồi nghỉ trưa ở tại gốc cây nọ, sau khi nhìn thấy [nghĩ rằng]: “Nếu lũ con trai và đàn em của ta nhìn thấy, chúng sẽ quấy rầy vị Tỳ-khưu-ni này” nên đã rẽ sang lối khác. Sau đó, vị thủ lãnh bọn cướp ấy đã lấy các miếng thịt ngon nhất ở phần thịt đã được nấu chín, dùng lá buộc thành gói, rồi treo lên ở thân cây không xa Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā, nói rằng: “Vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào nhìn thấy thì hãy lấy đi vật thí này”, rồi đã bỏ đi. Trong khi thủ lãnh bọn cướp ấy đang nói lời nói này, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã xuất khỏi thiền định và nghe được. Sau đó, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã cầm lấy phần thịt ấy và đi về Ni viện. Sau đó, khi trải qua đêm ấy, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã sửa soạn phần thịt ấy, buộc lại thành gói ở thượng y, rồi đã bay lên không trung và hiện ra ở Veḷuvana.

2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã đi vào làng để khất thực. Đại đức Udāyi là vị ở lại canh giữ trú xá. Khi ấy, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã đi đến gặp Đại đức Udāyi, sau khi đến đã nói với Đại đức Udāyi điều này:

– Thưa ngài, đức Thế Tôn ở đâu?

– Này Sư tỷ, đức Thế Tôn đã đi vào làng để khất thực.

– Thưa ngài, xin hãy dâng phần thịt này đến đức Thế Tôn.

– Này Sư tỷ, đức Thế Tôn được hài lòng về cô với phần thịt. Nếu cô có thể biếu tôi cái y nội thì tôi cũng có thể được hài lòng như vậy với cái y nội.

– Thưa ngài, quả thật chúng tôi thân phận là người nữ, có lợi lộc khó khăn. Và đây là cái y thứ năm, cuối cùng[1] của tôi; tôi sẽ không cho.

– Này Sư tỷ, cũng giống như người đã cho con voi thì nên biếu luôn các sợi dây nài; này Sư tỷ, tương tợ y như thế, cô đã dâng đức Thế Tôn phần thịt thì hãy biếu tôi cái y nội.

Khi ấy, Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā trong khi bị nài ép bởi Đại đức Udāyi nên đã cho cái y nội, rồi đi về Ni viện. Các Tỳ-khưu-ni trong lúc tiếp rước y bát của Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã nói với Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā điều này:

– Thưa Ni sư, y nội của cô đâu rồi?

Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu-ni. Các Tỳ-khưu-ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao ngài Đại đức Udāyi lại nhận lãnh y từ tay Tỳ-khưu-ni? Là người nữ, có lợi lộc thật khó khăn!” Sau đó, các Tỳ-khưu-ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu.

3. Các Tỳ-khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Đại đức Udāyi lại nhận lãnh y của Tỳ-khưu-ni?” Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– Này Udāyi, nghe nói ngươi nhận lãnh y của Tỳ-khưu-ni, có đúng không vậy?

– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

– Này Udāyi, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?

– Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.

– Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì đúng hay không đúng đối với người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy, sao ngươi lại nhận lãnh y từ tay Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu nào nhận lãnh y từ tay Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến thì [y ấy] nên được xả bỏ và [vị ấy] phạm tội Pācittiya.

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-khưu như thế.

[Sự quy định căn bản]

4. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu trong lúc ngần ngại không nhận lãnh y trao đổi của các Tỳ-khưu-ni. Các Tỳ-khưu-ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các ngài Đại đức lại không nhận lãnh y trao đổi của chúng tôi?” Các Tỳ-khưu đã nghe được các Tỳ-khưu-ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã nói pháp thoại, rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:

– Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép nhận lãnh vật trao đổi của năm hạng là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, vị Ni tu tập sự, Sa-di, Sa-di-ni. Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép nhận lãnh vật trao đổi của năm hạng này. Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu nào nhận lãnh y từ tay Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến thì [y ấy] nên được xả bỏ và [vị ấy] phạm tội Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi.”

[Sự quy định thứ hai]

5. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt)...

Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

[Người nữ] không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ-khưu-ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y [có kích thước] tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung.

Ngoại trừ sự trao đổi: Trừ ra sự trao đổi.

6. Vị nhận lãnh, trong lúc thực hiện thì phạm tội Dukkaṭa. Do sự đạt được thì phạm vào tội Nissaggiya, [y ấy] cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các Tỳ-khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(nt)... “Bạch các ngài, y này của tôi đã được nhận lãnh từ tay của Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến, ngoại trừ sự trao đổi, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(nt)... hội chúng nên cho lại ...(nt)... chư Đại đức nên cho lại ...(nt)... “Tôi cho lại Đại đức.”

7. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị nhận lãnh y từ tay thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi. Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, vị nhận lãnh y từ tay thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi. Không phải là thân quyến, [lầm] tưởng là thân quyến, vị nhận lãnh y từ tay thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi. Vị nhận lãnh y từ tay của cô Ni tu lên bậc trên ở một hội chúng thì phạm tội Dukkaṭa, ngoại trừ sự trao đổi. Là thân quyến, [lầm] tưởng không phải là thân quyến, ...(nt)... phạm tội Dukkaṭa. Là thân quyến, có sự hoài nghi, ...(nt)... phạm tội Dukkaṭa. Là thân quyến, nhận biết là thân quyến, ...(nt)... thì vô tội.

8. Của vị [Tỳ-khưu-ni]  là thân quyến, sự trao đổi vật lớn bằng vật nhỏ hoặc là vật nhỏ bằng vật lớn, vị Tỳ-khưu lấy do sự thân thiết, lấy có tính cách tạm thời, lấy vật phụ tùng khác ngoại trừ y, của cô Ni tu tập sự, của Sa-di-ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học về nhận lãnh y.

--oo0oo--

 

Chú thích

[1] Ngoài ba y như các Tỳ-khưu là y hai lớp (sanghāṭi), thượng y (uttarasagaṃ) và y nội (antaravāsakaṃ), Tỳ-khưu-ni còn có thêm hai y nữa là áo lót (saṃkaccikaṃ) và vải choàng tắm (udakasāṭikaṃ). Xin xem TTTĐPGVN, tập 11, tr. 923; TTPV, tập 7, Cv. II, chương X, tr. 515.