Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, người vợ cũ của Đại đức Udāyi đã xuất gia nơi các Tỳ-khưu-ni. Cô ấy thường xuyên đi đến gặp Đại đức Udāyi. Đại đức Udāyi cũng thường xuyên đi gặp Tỳ-khưu-ni ấy. Vào lúc bấy giờ, Đại đức Udāyi nhận phần phân phối vật thực ở nơi có sự hiện diện của Tỳ-khưu-ni ấy. Khi ấy vào buổi sáng, Đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến gặp Tỳ-khưu-ni ấy, sau khi đến đã để lộ ra vật kín phía trước [mặt] Tỳ-khưu-ni ấy, rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Tỳ-khưu-ni ấy cũng đã để lộ ra vật kín phía trước [mặt] Đại đức Udāyi, rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Khi ấy, Đại đức Udāyi bị khởi dục nên đã suy tưởng đến vật kín của Tỳ-khưu-ni ấy. Tinh dịch của vị ấy đã xuất ra.
2. Khi ấy, Đại đức Udāyi đã nói với Tỳ-khưu-ni ấy điều này:
– Này Sư tỷ, hãy đi và đem lại nước. Tôi sẽ giặt y nội.
– Thưa ngài, hãy trao lại. Chính tôi sẽ giặt.
Rồi [cô] đã dùng miệng nuốt vào một phần tinh dịch ấy, còn một phần đã đưa vào vật kín. Do việc ấy, cô ấy đã mang thai. Các Tỳ-khưu-ni đã nói như vầy:
– Tỳ-khưu-ni này không có Phạm hạnh, cô có thai.
– Này các Ni sư, tôi không phải là không có Phạm hạnh.
Rồi [cô] đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu-ni. Các Tỳ-khưu-ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao ngài Đại đức Udāyi lại bảo Tỳ-khưu-ni giặt y cũ?”
Sau đó, các Tỳ-khưu-ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu. Các Tỳ-khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Đại đức Udāyi lại bảo Tỳ-khưu-ni giặt y cũ?”
Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– Này Udāyi, nghe nói ngươi bảo Tỳ-khưu-ni giặt y cũ, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
– Này Udāyi, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?
– Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.
– Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy, sao ngươi lại bảo Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến giặt y cũ vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt). Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu nào bảo Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến giặt, hoặc bảo nhuộm, hoặc bảo đập giũ y cũ thì [y ấy] nên được xả bỏ và [vị ấy] phạm tội Pācittiya.”
3. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).
Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
[Người nữ] không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ, hoặc từ dòng bên cha.
Tỳ-khưu-ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.
Y cũ nghĩa là đã được mặc một lần, đã được khoác lên một lần.
Vị chỉ thị rằng: “Hãy giặt” thì phạm tội Dukkaṭa. [Y] đã được giặt thì phạm vào tội Nissaggiya. Vị chỉ thị rằng: “Hãy nhuộm” thì phạm tội Dukkaṭa. Y đã được nhuộm thì phạm vào tội Nissaggiya. Vị chỉ thị rằng: “Hãy đập giũ” thì phạm tội Dukkaṭa. Khi [y] đã được vỗ vào một lần bằng bàn tay hoặc bằng cây gỗ thì phạm vào tội Nissaggiya, [y ấy] cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân.
4. Và này các Tỳ-khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(nt)... “Bạch các ngài, y cũ này của tôi đã được bảo Tỳ-khưu-ni không phải là thân quyến giặt, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(nt)... hội chúng nên cho lại ...(nt)... chư Đại đức nên cho lại ...(nt)... “Tôi cho lại Đại đức.”
5. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt y cũ thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm y cũ thì phạm tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo đập giũ y cũ thì phạm tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm, bảo đập giũ y cũ thì phạm hai tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya.
6. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm y cũ thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. ...(nt)... vị bảo nhuộm, bảo đập giũ y cũ thì phạm tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya. ...(nt)... vị bảo nhuộm, bảo giặt y cũ thì phạm tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya. ...(nt)... vị bảo nhuộm, bảo đập giũ, bảo giặt y cũ thì phạm hai tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya.
7. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo đập giũ y cũ thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo đập giũ, bảo giặt y cũ ...(nt)... vị bảo đập giũ, bảo nhuộm ...(nt)... vị bảo đập giũ, bảo giặt, bảo nhuộm y cũ thì phạm hai tội Dukkaṭa với tội Nissaggiya Pācittiya.
8. Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, ...(nt)... Không phải là thân quyến, [lầm] tưởng là thân quyến, ...(nt)... Vị bảo giặt y cũ của vị khác thì phạm tội Dukkaṭa. Vị bảo giặt tấm lót ngồi [tọa cụ], tấm trải nằm [ngọa cụ] thì phạm tội Dukkaṭa. Vị bảo cô Ni tu lên bậc trên từ một hội chúng giặt thì phạm tội Dukkaṭa. Là thân quyến, [lầm] tưởng không phải là thân quyến, ...(nt)... phạm tội Dukkaṭa. Là thân quyến, có sự hoài nghi, ...(nt)... phạm tội Dukkaṭa. Là thân quyến, nhận biết là thân quyến ...(nt)... thì vô tội.
9. Khi vị [Tỳ-khưu-ni] là thân quyến đang giặt, có vị [Tỳ-khưu-ni] thứ nhì không phải là thân quyến [phụ giúp], vị [Tỳ-khưu-ni] giặt khi chưa được nói, vị bảo giặt [y] chưa được sử dụng, bị bảo giặt vật dụng khác ngoại trừ y, [vị bảo] cô Ni tu tập sự, [vị bảo] Sa-di-ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học về y cũ.
--oo0oo—