Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Duyên khởi ở thành Sāvatthi.
Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu-ni tiếp độ cô Ni tu tập sự chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Các vị Ni ấy ngu dốt, không có kinh nghiệm, không biết việc đúng phép hay không đúng phép. Các Tỳ-khưu-ni nào ít ham muốn, ...(nt)... các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các Tỳ-khưu-ni lại tiếp độ cô Ni tu tập sự chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm?” ...(nt).
– Này các Tỳ-khưu, nghe nói các Tỳ-khưu-ni tiếp độ cô Ni tu tập sự chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao các Tỳ-khưu-ni lại tiếp độ cô Ni tu tập sự chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt).
Sau khi khiển trách, Ngài đã nói pháp thoại rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:
– Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô Ni tu tập sự. Và này các Tỳ-khưu, nên ban cho như vầy: Cô Ni tu tập sự ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các Tỳ-khưu-ni, ngồi chồm hổm, chắp tay lên và nên nói như vầy:
“Bạch chư Đại đức Ni, tôi tên [như vầy] là cô Ni tu tập sự của Đại đức Ni tên [như vầy], thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm.” Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Hội chúng cần được thông báo bởi vị Tỳ-khưu-ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:
2. “Bạch chư Đại đức Ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô Ni này tên [như vầy] là cô Ni tu tập sự của Đại đức Ni tên [như vầy], thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô Ni tu tập sự tên [như vầy]. Đây là lời đề nghị.
Bạch chư Đại đức Ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô Ni này tên [như vầy], là cô Ni tu tập sự của Đại đức Ni tên [như vầy], thỉnh cầu hội chúng sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm. Hội chúng ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô Ni tu tập sự tên [như vầy]. Đại đức Ni nào đồng ý việc ban cho sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đến cô Ni tu tập sự tên [như vầy] xin im lặng; vị Ni nào không đồng ý có thể nói lên.
Sự chấp thuận việc học tập về sáu pháp trong hai năm đã được hội chúng ban cho đến cô Ni tu tập sự tên [như vầy]. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Cô Ni tu tập sự ấy nên được nói rằng: “Cô hãy nói như vầy: ‘Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự giết hại mạng sống, không vi phạm trong hai năm. Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự lấy vật không được cho, không vi phạm trong hai năm. Tôi xin thọ trì việc tránh xa điều phi Phạm hạnh, không vi phạm trong hai năm. Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự nói dối, không vi phạm trong hai năm. Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự dể duôi, uống chất say là rượu và nước lên men, không vi phạm trong hai năm. Tôi xin thọ trì việc tránh xa sự ăn sái thời, không vi phạm trong hai năm.’”
Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách các Tỳ-khưu-ni ấy bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu-ni nào tiếp độ cô Ni tu tập sự chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm thì phạm tội Pācittiya.”
3. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).
Tỳ-khưu-ni: ...(nt)... vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
Hai năm: [Thời hạn] hai năm.
Chưa thực hành việc học tập nghĩa là việc học tập chưa được ban cho hoặc là việc học tập đã ban cho bị hư hoại.
Tiếp độ: Cho tu lên bậc trên.
Vị Ni [nghĩ rằng]: “Ta sẽ tiếp độ”, rồi tìm kiếm nhóm [Tỳ-khưu-ni], hoặc vị Ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội Dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội Dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội Dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, Ni sư tế độ phạm tội Pācittiya, nhóm [chứng minh] và vị Ni tuyên ngôn phạm tội Dukkaṭa.
Hành sự đúng pháp, nhận biết là hành sự đúng pháp, vị Ni tiếp độ thì phạm tội Pācittiya. Hành sự đúng pháp, có sự hoài nghi, vị Ni tiếp độ thì phạm tội Pācittiya. Hành sự đúng pháp, [lầm] tưởng là hành sự sai pháp, vị Ni tiếp độ thì phạm tội Pācittiya.
Hành sự sai pháp, [lầm] tưởng là hành sự đúng pháp thì phạm tội Dukkaṭa. Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp thì phạm tội Dukkaṭa.
Vị Ni tiếp độ cô Ni tu tập sự đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm, vị Ni bị điên, ...(nt)... vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Điều học thứ ba.
--oo0oo--