Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »

PHÂN TÍCH GIỚI BỔN 
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA

Mục Lục

4.6.4. ĐIỀU HỌC THỨ TƯ

 

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthi.

Vào lúc bấy giờ, có người Bà-la-môn nọ đã thỉnh mời và dâng bữa ăn đến các Tỳ-khưu-ni. Khi thọ thực xong và đã từ chối [vật thực dâng thêm], các Tỳ-khưu-ni đã đi đến các gia đình thân quyến, rồi một số vị Ni đã thọ thực, một số vị Ni đã nhận lấy đồ khất thực rồi đi. Sau đó, người Bà-la-môn ấy đã nói với hàng xóm điều này:

– Này quý ông, các Tỳ-khưu-ni đã được tôi làm hài lòng. Hãy đến, tôi cũng sẽ làm hài lòng quý ông.

Những người ấy đã nói như vầy:

– Này ông, có phải ông sẽ làm hài lòng chúng tôi không? Ngay cả những vị Ni đã được ông thỉnh mời lại còn đi đến các nhà của chúng tôi, một số vị Ni đã thọ thực, một số vị Ni đã nhận lấy đồ khất thực rồi đi.

2. Khi ấy, người Bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Tại sao các Tỳ-khưu-ni sau khi thọ thực ở nhà của chúng tôi lại còn thọ thực ở nơi khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?”

Các Tỳ-khưu-ni đã nghe được người Bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu-ni nào ít ham muốn, ...(nt)... các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các Tỳ-khưu-ni thọ thực xong và đã từ chối [vật thực dâng thêm] lại thọ thực ở nơi khác?” ...(nt).

– Này các Tỳ-khưu, nghe nói các Tỳ-khưu-ni thọ thực xong và đã từ chối [vật thực dâng thêm] lại thọ thực ở nơi khác, có đúng không vậy?

– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao các Tỳ-khưu-ni thọ thực xong và đã từ chối [vật thực dâng thêm] lại thọ thực ở nơi khác vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu-ni nào đã được thỉnh mời hoặc đã từ chối [vật thực dâng thêm] lại nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội Pācittiya.”

3. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).

Tỳ-khưu-ni: ...(nt)... vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.

Đã được thỉnh mời nghĩa là được thỉnh mời với loại vật thực nào đó của năm loại vật thực.

Đã từ chối [vật thực dâng thêm] nghĩa là việc ăn được ghi nhận, vật thực được ghi nhận, [thí chủ] đứng trong tầm tay (1m25) dâng lên và sự khước từ được ghi nhận.

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực [gồm có] cơm, súp, bánh, cá, thịt.

[Nghĩ rằng]: “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn”, rồi thọ lãnh thì phạm tội Dukkaṭa. Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội Pācittiya.[1]

Vị Ni nhận lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội Dukkaṭa. Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội Dukkaṭa.

Vị Ni đã được thỉnh mời nhưng chưa từ chối [vật thực dâng thêm], vị Ni uống cháo, vị Ni hỏi trước các chủ nhân rồi thọ thực, vị Ni thọ dụng vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời khi có duyên cớ, vị Ni bị điên, ...(nt)... vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Điều học thứ tư.

--oo0oo--

 

Chú thích

[1] Lời dịch Việt của cước chú Pāḷi ở trang đối diện: Khi đã được thỉnh mời, nhận biết là đã được thỉnh mời, vị Ni nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội Pācittiya. Khi đã được thỉnh mời, có sự hoài nghi, vị Ni nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội Pācittiya. Khi đã được thỉnh mời, [lầm] tưởng là chưa được thỉnh mời, vị Ni nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội Pācittiya.