Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »

PHÂN TÍCH GIỚI BỔN 
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA

Mục Lục

4.6.10. ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI

 

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthi.

Vào lúc bấy giờ, có vị Tỳ-khưu-ni nọ cùng người nam, một nữ với một nam, xẻ nặn mụt nhọt phát sanh ở phần dưới thân. Khi ấy, người nam ấy đã gắng sức để làm ô uế vị Tỳ-khưu-ni. Vị Tỳ-khưu-ni ấy đã kêu thét lên. Các Tỳ-khưu-ni đã chạy lại và đã nói với Tỳ-khưu-ni ấy điều này:

– Này Ni sư, vì sao cô đã kêu thét lên?

Khi ấy, vị Tỳ-khưu-ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu-ni. Các Tỳ-khưu-ni nào ít ham muốn, ...(nt)... các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Tỳ-khưu-ni lại cùng người nam, một nữ với một nam, xẻ nặn mụt nhọt phát sanh ở phần dưới thân?” ...(nt).

– Này các Tỳ-khưu, nghe nói vị Tỳ-khưu-ni cùng người nam, một nữ với một nam, xẻ nặn mụt nhọt phát sanh ở phần dưới thân, có đúng không vậy?

– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao Tỳ-khưu-ni lại cùng người nam, một nữ với một nam, xẻ nặn mụt nhọt phát sanh ở phần dưới thân vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu-ni nào khi chưa xin phép hội chúng hoặc nhóm, lại cùng người nam, một nữ với một nam làm cho vỡ ra hoặc xẻ ra, hoặc rửa ráy, hoặc bôi thuốc, hoặc băng lại, hoặc tháo băng mụt nhọt, hoặc vết loét phát sanh ở phần dưới thân thì phạm tội Pācittiya.”

2. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).

Tỳ-khưu-ni: ...(nt)... vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.

Ở phần dưới thân nghĩa là từ lỗ rún trở xuống, từ đầu gối trở lên.

Phát sanh: Được sanh lên tại nơi ấy.

Mụt nhọt nghĩa là bất cứ loại mụt nhọt nào.

Vết loét nghĩa là bất cứ loại vết thương nào.

Khi chưa xin phép: Khi chưa hỏi ý.

Hội chúng nghĩa là hội chúng Tỳ-khưu-ni được đề cập đến.

Nhóm nghĩa là nhiều vị Tỳ-khưu-ni được đề cập đến.

Người nam nghĩa là nam nhân loại, không phải dạ-xoa nam, không phải ma nam, không phải thú đực, có trí suy xét, có khả năng làm ô uế.

Cùng: Cùng với.

Một nữ với một nam: Là chỉ có người nam và vị Tỳ-khưu-ni.

Vị Ni ra lệnh rằng: “Hãy làm vỡ ra” thì phạm tội Dukkaṭa; khi đã bị vỡ thì phạm tội Pācittiya. Vị Ni ra lệnh rằng: “Hãy xẻ ra” thì phạm tội Dukkaṭa; khi đã được xẻ thì phạm tội Pācittiya. Vị Ni ra lệnh rằng: “Hãy rửa” thì phạm tội Dukkaṭa; khi đã được rửa thì phạm tội Pācittiya. Vị Ni ra lệnh rằng: “Hãy bôi thuốc” thì phạm tội Dukkaṭa; khi đã được bôi thuốc thì phạm tội Pācittiya. Vị Ni ra lệnh rằng: “Hãy băng lại” thì phạm tội Dukkaṭa; khi đã được băng lại thì phạm tội Pācittiya. Vị Ni ra lệnh rằng: “Hãy tháo băng” thì phạm tội Dukkaṭa; khi đã được tháo băng thì phạm tội Pācittiya.

Vị Ni bảo làm cho vỡ ra, hoặc bảo xẻ ra, hoặc bảo rửa, hoặc bảo bôi thuốc, hoặc bảo băng lại, hoặc bảo tháo băng sau khi đã xin phép, có người nữ nào đó có trí suy xét là người nữ thứ nhì, vị Ni bị điên, ...(nt)... vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Điều học thứ mười.

Phẩm Tu viện là thứ sáu.

--oo0oo--

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

Tu viện, sự sỉ vả và có sự giận dữ, thọ thực, bỏn xẻn về gia đình, [an cư] mùa mưa, lễ Pavāraṇā, sự giáo giới, hai việc và với phần dưới thân.

--oo0oo--