Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Duyên khởi ở thành Sāvatthi.
Vào lúc bấy giờ, có Tỳ-khưu-ni nọ, là vị thường tới lui với các gia đình và là vị nhận bữa ăn thường kỳ của gia đình nọ. Khi ấy, vào buổi sáng, vị Tỳ-khưu-ni ấy đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến gia đình ấy; sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi,[1] rồi đã ra đi không thông báo các chủ nhân.
Người nữ nô tỳ của gia đình ấy, trong lúc quét nhà đã bỏ chỗ ngồi ấy bên trong cái thùng. Trong khi không nhìn thấy chỗ ngồi ấy, mọi người đã nói với Tỳ-khưu-ni ấy điều này:
– Thưa Ni sư, chỗ ngồi ấy đâu rồi?
– Này các đạo hữu, tôi không nhìn thấy chỗ ngồi ấy.
– Thưa Ni sư, hãy đưa ra chỗ ngồi ấy.
Họ đã chê trách và đã ngưng lại bữa ăn thường kỳ. Sau đó, những người ấy, trong khi làm sạch sẽ nhà đã nhìn thấy chỗ ngồi ấy ở bên trong cái thùng nên đã xin lỗi vị Tỳ-khưu-ni ấy và thiết lập lại bữa ăn thường kỳ.
2. Sau đó, vị Tỳ-khưu-ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các Tỳ-khưu-ni. Các Tỳ-khưu-ni nào ít ham muốn, ...(nt)... các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Tỳ-khưu-ni sau khi đi đến các gia đình trước bữa ăn và ngồi xuống trên chỗ ngồi lại ra đi không thông báo các chủ nhân?” ...(nt).
– Này các Tỳ-khưu, nghe nói vị Tỳ-khưu-ni sau khi đi đến các gia đình trước bữa ăn và ngồi xuống trên chỗ ngồi rồi ra đi không thông báo các chủ nhân, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao Tỳ-khưu-ni sau khi đi đến các gia đình trước bữa ăn và ngồi xuống trên chỗ ngồi lại ra đi không thông báo các chủ nhân vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu-ni nào sau khi đi đến các gia đình trước bữa ăn và ngồi xuống trên chỗ ngồi, rồi ra đi không thông báo các chủ nhân thì phạm tội Pācittiya.”
3. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).
Tỳ-khưu-ni: ...(nt)... vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
Trước bữa ăn nghĩa là từ lúc mặt trời mọc cho đến giữa trưa.
Gia đình nghĩa là có bốn loại gia đình: Gia đình Sát-đế-lỵ, gia đình Bà-la-môn, gia đình thương buôn và gia đình hạng cùng đinh.
Sau khi đi đến: Sau khi đã đến nơi ấy.
Chỗ ngồi nghĩa là chỗ của tư thế kiết-già được đề cập đến.
[Sau khi] ngồi xuống: Sau khi ngồi xuống ở nơi ấy.
Ra đi không thông báo các chủ nhân: Không thông báo người có trí suy xét ở gia đình ấy. Trong khi vượt qua mái che mưa thì phạm tội Pācittiya. Ở ngoài trời, trong khi vượt qua vùng lân cận thì phạm tội Pācittiya.
Khi chưa thông báo, nhận biết là chưa thông báo, vị Ni ra đi thì phạm tội Pācittiya. Khi chưa thông báo, có sự hoài nghi, vị Ni ra đi thì phạm tội Pācittiya. Khi chưa thông báo, [lầm] tưởng là đã thông báo, vị Ni ra đi thì phạm tội Pācittiya.
Không phải là chỗ của tư thế kiết-già thì phạm tội Dukkaṭa. Khi đã thông báo, [lầm] tưởng là chưa thông báo thì phạm tội Dukkaṭa. Khi đã thông báo, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Khi đã thông báo, nhận biết là đã thông báo thì vô tội.
Vị Ni đi khi đã thông báo, ở chỗ ngồi không thể di động, vị Ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị Ni bị điên, ...(nt)... vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Điều học thứ năm.
--oo0oo—
[1] Từ “āsanaṃ” có nghĩa là “chỗ ngồi, hành động ngồi”, nhưng ở ngữ cảnh này là một loại chỗ ngồi gọn gàng, có thể di chuyển được, dường như là “một loại đệm lót ngồi” (ND).