Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, Đại đức Udāyi ở thành Sāvatthi là vị thường tới lui với các gia đình và đi đến nhiều gia đình. Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ là góa chồng, đẹp dáng, đáng nhìn, khả ái. Khi ấy, vào buổi sáng, Đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của người đàn bà ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.
2. Khi ấy, người đàn bà ấy đã đi đến gặp Đại đức Udāyi, sau khi đến đã đảnh lễ Đại đức Udāyi rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Udāyi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích và tạo niềm phấn khởi cho người đàn bà ấy đang ngồi ở một bên bằng bài pháp thoại.
3. Sau đó, khi đã được Đại đức Udāyi chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích và tạo niềm phấn khởi bằng bài pháp thoại, người đàn bà ấy đã nói với Đại đức Udāyi điều này:
– Thưa ngài, xin ngài cứ nói ra nhu cầu. Chúng tôi có khả năng để dâng đến ngài vật dụng tức là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh.
– Này em gái, đối với chúng tôi, những thứ ấy tức là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh thì đạt được không khó. Vậy hãy dâng cho chúng tôi điều mà chúng tôi khó đạt được.
– Thưa ngài, điều gì vậy?
– Việc đôi lứa.
– Thưa ngài, là điều cần thiết?
– Này em gái, là điều cần thiết.
– Thưa ngài, hãy đi đến.
Rồi [người đàn bà đó] đã đi vào phòng trong, cởi bỏ y phục và nằm ngửa ra trên chiếc giường nhỏ.
Sau đó, Đại đức Udāyi đã đi đến gặp người đàn bà ấy, sau khi đến [đã nói rằng]:
– Ai mà sờ vào vật hạ tiện hôi thối này!
Rồi [Đại đức Udāyi] đã nhổ bãi nước miếng và bỏ đi.
4. Khi ấy, người đàn bà ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, giới hạnh xấu xa, nói láo. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành pháp, có thực hành sự an tịnh, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì sao Sa-môn Udāyi sau khi đích thân cầu xin tôi việc đôi lứa [lại nói rằng]: ‘Ai mà sờ vào vật hạ tiện hôi thối này’, rồi nhổ bãi nước miếng và bỏ đi? Tôi có điều gì xấu? Tôi có mùi hôi gì? Tôi thua kém với ai, vì điều gì?”
5. Các người đàn bà khác cũng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, ...(nt)... Vì sao Sa-môn Udāyi sau khi đích thân cầu xin cô ấy việc đôi lứa [lại nói rằng]: ‘Ai mà sờ vào vật hạ tiện hôi thối này’, rồi nhổ bãi nước miếng và bỏ đi? Cô ấy có điều gì xấu? Cô ấy có mùi hôi gì? Cô ấy thua kém với ai, vì điều gì?”
6. Các Tỳ-khưu đã nghe được những người đàn bà ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Đại đức Udāyi lại ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ?”
7. Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng Tỳ-khưu lại và đã hỏi Đại đức Udāyi rằng:
– Này Udāyi, nghe nói ngươi ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ vậy? Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, ...(nt)... đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu nào bị khởi dục, do tâm bị thay đổi, rồi ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ rằng: ‘Này em gái, đây là việc đứng đầu trong các sự hầu hạ là việc người nữ nên hầu hạ đến người có giới, có thiện pháp, có Phạm hạnh như là ta bằng việc ấy’ là việc có tính chất đôi lứa, thì tội Saṅghādisesa.”
8. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).
Tỳ-khưu: ...(nt)... Vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Bị khởi dục nghĩa là có bị nhiễm dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.
Bị thay đổi: Tâm bị nhiễm dục vọng là [tâm] bị thay đổi, tâm giận hờn là [tâm] bị thay đổi, tâm mê muội là [tâm] bị thay đổi. Tâm bị nhiễm dục vọng là [tâm] bị thay đổi được đề cập trong ý nghĩa này.
Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có trí suy xét, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là [lời nói] thô tục và không thô tục.
Trong sự hiện diện của người nữ: Xung quanh người nữ, không xa người nữ.
Tình dục cho bản thân: Là tình dục của chính bản thân, có nguyên nhân của bản thân, có ý định cho bản thân, là sự phục vụ cho bản thân.
Đây là việc đứng đầu: Điều này là tột đỉnh, điều này là hạng nhất, điều này là dẫn đầu, điều này là tối thượng, điều này là quý báu nhất.
Người nữ: Là người nữ dòng vua chúa, hoặc là người nữ Bà-la-môn, hoặc là người nữ thương buôn, hoặc là người nữ nô lệ.
Như là ta: Là người dòng vua chúa, hoặc là Bà-la-môn, hoặc là thương buôn, hoặc là nô lệ.
Người có giới: Người có sự tránh xa việc sát sanh, có sự tránh xa việc trộm cắp, có sự tránh xa việc nói dối.
Có Phạm hạnh: Có sự tránh xa việc đôi lứa.
Có thiện pháp nghĩa là với giới ấy và với Phạm hạnh ấy là [người] có thiện pháp.
Bằng việc ấy: Bằng việc đôi lứa.
Nên hầu hạ: Nên làm cho thích thú.
Có tính chất đôi lứa: Là có liên quan đến việc hành dâm.
Tội Saṅghādisesa: ...(nt)... cũng vì thế được gọi là “tội Saṅghādisesa.”
1. Là người nữ, nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ ấy thì phạm tội Saṅghādisesa.
2. Là người nữ, có sự hoài nghi ...(nt)... [lầm] tưởng là người vô căn ...(nt)... [lầm] tưởng là người nam ...(nt)... [lầm] tưởng là loài thú và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ ấy thì phạm tội Dukkaṭa.
3. Là người vô căn, nhận biết là người vô căn và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người vô căn ấy thì phạm tội Thullaccaya.
4. Là người vô căn, có sự hoài nghi ...(nt)... [lầm] tưởng là người nam ...(nt)... [lầm] tưởng là loài thú ...(nt)... [lầm] tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người vô căn ấy thì phạm tội Dukkaṭa.
5. Là người nam ...(nt)... Là loài thú, nhận biết là loài thú ...(nt)... có sự hoài nghi ...(nt)... [lầm] tưởng là người nữ ...(nt)... [lầm] tưởng là người vô căn ...(nt)... [lầm] tưởng là người nam và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của loài thú ấy thì phạm tội Dukkaṭa.
6. Hai người nữ, đối với hai người nữ nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của hai người nữ ấy thì phạm hai tội Saṅghādisesa. ...(nt).
7. Người nữ và người vô căn, đối với cả hai [lầm] tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị Tỳ-khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của hai người ấy thì phạm tội Dukkaṭa với tội Saṅghādisesa. ...(nt).
8. Vị nói rằng: “Hãy hộ độ với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh”, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
--oo0oo--