Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Duyên khởi ở thành Sāvatthi: Vào lúc bấy giờ, Tỳ-khưu-ni Thullanandā bị bệnh. Khi ấy, có nam cư sĩ nọ đã đi đến gặp Tỳ-khưu-ni Thullanandā, sau khi đến đã nói với Tỳ-khưu-ni Thullanandā điều này:
– Thưa Ni sư, có phải Ni sư không được khỏe? Vật gì cần được mang lại?
– Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về bơ lỏng.
Sau đó, nam cư sĩ ấy đã mang lại một đồng kahāpaṇa bơ lỏng từ nhà của chủ tiệm buôn nọ, rồi dâng cho Tỳ-khưu-ni Thullanandā. Tỳ-khưu-ni Thullanandā đã nói như vầy:
– Này đạo hữu, tôi không có nhu cầu về bơ lỏng. Tôi có nhu cầu về dầu ăn.
Khi ấy, nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp người chủ tiệm buôn ấy, sau khi đến đã nói với người chủ tiệm buôn ấy điều này:
– Này ông, nghe nói Ni sư không có nhu cầu về bơ lỏng mà có nhu cầu về dầu ăn. Hãy nhận lấy bơ lỏng của ông và hãy cho tôi dầu ăn.
– Này ông, nếu chúng tôi nhận lại hàng hóa đã được bán ra thì khi nào hàng hoá của chúng tôi mới bán ra được? Với việc mua bơ lỏng thì bơ lỏng đã được mang đi. Ông hãy mang đến phần mua của dầu ăn rồi dầu ăn sẽ được mang đi.[1]
Khi ấy, nam cư sĩ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
– Tại sao Ni sư Thullanandā sau khi yêu cầu vật khác lại yêu cầu vật khác nữa? ...(nt).
– Này các Tỳ-khưu, nghe nói Tỳ-khưu-ni Thullanandā sau khi yêu cầu vật khác lại yêu cầu vật khác nữa, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao Tỳ-khưu-ni Thullanandā sau khi yêu cầu vật khác lại yêu cầu vật khác nữa vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu-ni nào sau khi yêu cầu vật khác lại yêu cầu vật khác nữa thì [vật khác nữa ấy] nên được xả bỏ và [vị Ni ấy] phạm tội Pācittiya.”
2. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).
Tỳ-khưu-ni: ...(nt)... vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
Sau khi yêu cầu vật khác: Sau khi yêu cầu bất cứ vật gì.
Lại yêu cầu vật khác nữa: Vị Ni yêu cầu vật khác, trừ ra vật ấy. Trong lúc tiến hành thì phạm tội Dukkaṭa. Do sự đạt được thì phạm vào tội Nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến một vị Tỳ-khưu-ni. Và này các Tỳ-khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(nt)... “Bạch chư Đại đức Ni, vật này của tôi, là vật khác nữa đã được yêu cầu sau khi đã yêu cầu vật khác, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(nt)..., hội chúng nên cho lại ...(nt)... các Đại đức Ni nên cho lại ...(nt)... “Tôi cho lại Ni sư.”
Vật khác, nhận biết là vật khác, vị Ni yêu cầu vật khác nữa thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Vật khác, có sự hoài nghi, vị Ni yêu cầu vật khác nữa thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Vật khác, [lầm] tưởng không phải là vật khác, vị Ni yêu cầu vật khác nữa thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya.
Không phải là vật khác, [lầm] tưởng là vật khác thì phạm tội Dukkaṭa. Không phải là vật khác, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Không phải là vật khác, nhận biết không phải là vật khác thì vô tội.
Vị Ni yêu cầu thêm chính vật khác, vị Ni [nhận vật khác rồi] yêu cầu thêm vật khác nữa, sau khi cho thấy sự lợi ích rồi yêu cầu,[2] vị Ni bị điên, ...(nt)... vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Điều học thứ tư.
--oo0oo--
[1] Người chủ hiệu buôn có ý chỉ trích Tỳ-khưu-ni Thullanandā nên đã nói: “Mang đến ... mang đi.” Nếu chỉ trích người cận sự nam thì phải nói: “Mang đi ... mang đến” (ND).
[2] Ý nghĩa của phần không phạm tội được ngài Buddhaghosa giải thích như sau: Vật được dâng chưa đủ nên phải yêu cầu thêm nữa, ngoài vật đã được dâng, vị Ni còn cần thêm vật thứ hai nên yêu cầu, giải thích sự cần thiết phải có thêm vật thứ hai rồi yêu cầu (VinA. IV. 917).