Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Duyên khởi ở thành Sāvatthi: Vào lúc bấy giờ, nhiều vị Tỳ-khưu-ni, khi trải qua mùa [an cư] mưa ở trú xứ thôn làng, đã đi đến thành Sāvatthi. [Các vị Ni ấy] có đầy đủ các pháp thực hành, đầy đủ oai nghi, [nhưng] mặc vải tàn tạ và y phục thô xấu. Các cư sĩ sau khi nhìn thấy các Tỳ-khưu-ni ấy [nghĩ rằng]: “Các Tỳ-khưu-ni này có đầy đủ các pháp thực hành, đầy đủ oai nghi, [nhưng] mặc vải tàn tạ và y phục thô xấu. Các Tỳ-khưu-ni này sẽ bị rách rưới”, rồi đã dâng y ngoài hạn kỳ đến hội chúng Tỳ-khưu-ni. Tỳ-khưu-ni Thullanandā đã xác định rằng: “Kaṭhina của chúng tôi đã được thành tựu, [vậy là] y trong thời hạn”, rồi đã bảo phân chia. Các cư sĩ sau khi nhìn thấy các Tỳ-khưu-ni ấy đã nói điều này:
– Có phải các Ni sư cũng đã lãnh được y?
– Này các đạo hữu, chúng tôi không được lãnh y. Ni sư Thullanandā đã xác định rằng: “Kaṭhina của chúng tôi đã được thành tựu, [vậy là] y trong thời hạn”, rồi đã bảo phân chia.
Các cư sĩ phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Tại sao Ni sư Thullanandā lại xác định y ngoài hạn kỳ là: Y trong thời hạn” rồi bảo phân chia?
2. Các Tỳ-khưu-ni đã nghe được các cư sĩ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu-ni nào ít ham muốn, ...(nt)..., các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Ni sư Thullanandā lại xác định y ngoài hạn kỳ là: Y trong thời hạn” rồi bảo phân chia? ...(nt).
– Này các Tỳ-khưu, nghe nói Tỳ-khưu-ni Thullanandā xác định y ngoài hạn kỳ là: “Y trong thời hạn” rồi bảo phân chia, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao Tỳ-khưu-ni Thullanandā lại xác định y ngoài hạn kỳ là: “Y trong thời hạn” rồi bảo phân chia? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu-ni nào xác định y ngoài hạn kỳ là: ‘Y trong thời hạn’ rồi bảo phân chia thì [y ấy] nên được xả bỏ và [vị Ni ấy] phạm tội Pācittiya.”
3. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).
Tỳ-khưu-ni: ...(nt)..., vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
Y ngoài hạn kỳ nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì được phát sanh trong mười một tháng, khi Kaṭhina được thành tựu thì được phát sanh trong bảy tháng; [y] được dâng xác định trong thời gian trên thì [y] ấy gọi là y ngoài hạn kỳ.
Vị Ni xác định: “Y trong thời hạn” rồi bảo phân chia, trong lúc tiến hành thì phạm tội Dukkaṭa. Do sự đạt được thì phạm vào tội Nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến một vị Tỳ-khưu-ni. Và này các Tỳ-khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(nt)... “Bạch chư Đại đức Ni, y này của tôi đã được bảo chia phần sau khi xác định y ngoài hạn kỳ là “Y trong thời hạn”, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ [y] này đến hội chúng. ...(nt)..., hội chúng nên cho lại ...(nt)..., các Đại đức Ni nên cho lại ...(nt)... “Tôi cho lại Ni sư.”
Y ngoài hạn kỳ, nhận biết là y ngoài hạn kỳ, vị Ni xác định: “Y trong thời hạn”, rồi bảo phân chia thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Y ngoài hạn kỳ, có sự hoài nghi, vị Ni xác định: ‘Y trong thời hạn’, rồi bảo phân chia thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Y ngoài hạn kỳ, [lầm] tưởng là y trong thời hạn, vị Ni xác định: “Y trong thời hạn”, rồi bảo phân chia thì phạm tội Nissaggiya Pācittiya. Y trong thời hạn, [lầm] tưởng là y ngoài hạn kỳ thì phạm tội Dukkaṭa. Y trong thời hạn, có sự hoài nghi thì phạm tội Dukkaṭa. Y trong thời hạn, nhận biết là y trong thời hạn thì vô tội.
Đối với y ngoài hạn kỳ, vị Ni nhận biết là y ngoài hạn kỳ rồi bảo phân chia, đối với y trong thời hạn, vị Ni nhận biết là y trong thời hạn rồi bảo phân chia, vị Ni bị điên, ...(nt)... vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Điều học thứ nhì.
--oo0oo--