Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »
PHÂN TÍCH GIỚI BỔN
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA
1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha ở Gijjhakūṭa. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị Tỳ-khưu thân thiết, đồng quan điểm đã dựng lên ở sườn núi Isigili những túp lều bằng cỏ rồi vào mùa [an cư] mưa. Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm cũng đã dựng lên túp lều bằng cỏ và vào mùa [an cư] mưa.
2. Sau đó, khi đã sống qua mùa mưa đến hết ba tháng, các vị Tỳ-khưu ấy đã tháo gỡ các túp lều cỏ, thu xếp cỏ và gỗ lại, rồi ra đi du hành trong xứ sở. Còn Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã cư trú mùa mưa ở chính nơi ấy, mùa lạnh ở nơi ấy và mùa nóng ở nơi ấy.
3. Sau đó, lúc Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã đi vào làng để khất thực, những cô cắt cỏ, những cô mót củi đã tháo gỡ túp lều cỏ, đoạt lấy cỏ và gỗ rồi [mang] đi.
4. Đến lần thứ nhì, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm, đã gom góp cỏ và gỗ rồi dựng lên túp lều cỏ. Đến lần thứ nhì, lúc Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã đi vào làng để khất thực, những cô cắt cỏ, những cô mót củi đã tháo gỡ túp lều cỏ, đoạt lấy cỏ và gỗ rồi [mang] đi.
5. Đến lần thứ ba, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm, đã gom góp cỏ và gỗ rồi dựng lên túp lều cỏ. Đến lần thứ ba, lúc Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã đi vào làng để khất thực, những cô cắt cỏ, những cô mót củi đã tháo gỡ túp lều cỏ, đoạt lấy cỏ và gỗ rồi [mang] đi.
6. Khi ấy, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã khởi ý điều này: “Quả thật đã đến lần thứ ba, lúc ta đã đi vào làng để khất thực, những cô cắt cỏ, những cô mót củi đã tháo gỡ túp lều cỏ, đoạt lấy cỏ và gỗ rồi [mang] đi. Vả lại, ta đã khéo học tập nghề làm đồ gốm ở nơi thầy ta không sai sót và có tay nghề thiện xảo; hay là ta nên đích thân nhồi trộn đất bùn và tạo nên một túp lều toàn bằng đất sét?”
7. Sau đó, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã đích thân nhồi trộn đất bùn và tạo nên một túp lều toàn bằng đất sét, rồi đã thu nhặt cỏ, củi, phân bò khô và nung chín túp lều ấy. Túp lều ấy đẹp đẽ, đáng nhìn, xinh xắn, có màu đỏ như cánh kiến. Giống như tiếng vang của cái chuông nhỏ, âm thanh của túp lều ấy cũng tương tợ như thế.
8. Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc từ Gijjhakūṭa đi xuống cùng với nhiều vị Tỳ-khưu đã nhìn thấy túp lều đẹp đẽ, đáng nhìn, xinh xắn, có màu đỏ như cánh kiến ấy, sau khi nhìn thấy đã hỏi các Tỳ-khưu rằng:
– Này các Tỳ-khưu, cái vật đẹp đẽ, đáng nhìn, xinh xắn, có màu đỏ như cánh kiến kia là vật gì vậy?
9. Khi ấy, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– Này các Tỳ-khưu, thật không đúng đắn cho kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này các Tỳ-khưu, vì sao kẻ rồ dại ấy lại đích thân nhồi trộn đất bùn và tạo nên một túp lều toàn bằng đất sét? Này các Tỳ-khưu, kẻ rồ dại ấy quả không có sự quan tâm, không có lòng thương xót, không có tâm vô hại đối với các sanh mạng! Này các Tỳ-khưu, hãy đi và phá vỡ túp lều ấy. Chớ để loài người sau này [theo gương đó] gây nên việc giết hại các sanh mạng. Này các Tỳ-khưu, không nên thực hiện cốc liêu toàn bằng đất sét; vị nào thực hiện thì phạm tội Dukkaṭa.
10. – Bạch Ngài, xin vâng.
Các vị Tỳ-khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến túp lều ấy, sau khi đến đã phá vỡ túp lều ấy. Khi ấy, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã nói với các vị Tỳ-khưu ấy điều này:
– Này các Đại đức, vì sao các vị phá vỡ túp lều của tôi vậy?
– Này Đại đức, đức Thế Tôn bảo phá vỡ.
– Này các Đại đức, nếu bậc Pháp Chủ bảo phá vỡ thì các vị hãy phá vỡ đi.
11. Sau đó, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã khởi ý rằng: “Quả thật đã đến lần thứ ba, lúc ta đã đi vào làng để khất thực, những cô cắt cỏ, những cô mót củi đã tháo gỡ túp lều cỏ, đoạt lấy cỏ và gỗ rồi [mang] đi. Ngay cả túp lều toàn bằng đất sét được ta tạo nên cũng đã bị đức Thế Tôn cho phá vỡ. Và có viên quản lý kho gỗ là người đồng đạo với ta; hay là ta nên yêu cầu viên quản lý kho gỗ cho các cây gỗ rồi tạo nên túp lều bằng gỗ?”
12. Sau đó, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã đi đến gặp viên quản lý kho gỗ, sau khi đến đã nói với viên quản lý kho gỗ điều này:
– Này đạo hữu, quả đã đến lần thứ ba, lúc ta đã đi vào làng để khất thực, những cô cắt cỏ, những cô mót củi đã tháo gỡ túp lều cỏ, đoạt lấy cỏ và gỗ rồi [mang] đi. Ngay cả túp lều toàn bằng đất sét được ta tạo nên cũng đã bị đức Thế Tôn cho phá vỡ. Này đạo hữu, hãy cho ta các cây gỗ; ta muốn thực hiện túp lều bằng gỗ.
– Thưa ngài, các cây gỗ mà tôi có thể dâng ngài thì các loại như thế ấy không có. Thưa ngài, có những cây gỗ thuộc quốc khố là vật liệu tu bổ thành phố được để riêng, phòng lúc hữu sự, nếu đức vua bảo cho các thứ ấy thì thưa ngài, ngài hãy bảo người mang đi.
– Này đạo hữu, đã được đức vua cho rồi.
13. Khi ấy, viên quản lý kho gỗ [nghĩ rằng]: “Các Sa-môn Thích tử này quả thật là những vị thực hành pháp, là những vị thực hành sự an tịnh, là những vị có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp. Ngay cả đức vua cũng tịnh tín những vị này. Không thể nào họ lại nói: ‘Đã được cho’ về vật chưa được cho” nên đã nói với Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm điều này:
– Thưa ngài, ngài hãy cho người mang đi.
Sau đó, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã cho người cắt xẻ các cây gỗ ấy thành từng miếng, đã cho chuyển đi bằng các xe tải, rồi đã thực hiện túp lều bằng gỗ.
14. Sau đó, Bà-la-môn Vassakāra là quan đại thần xứ Magadha, trong lúc đi thanh tra các công việc trong thành Rājagaha đã đi đến gặp viên quản lý kho gỗ, sau khi đến đã nói với viên quản lý kho gỗ điều này:
– Này khanh, có những cây gỗ thuộc quốc khố là vật liệu tu bổ thành phố được để riêng, phòng lúc hữu sự, những cây gỗ ấy đâu rồi?
– Thưa quan lớn, những cây gỗ ấy đã được đức vua cho đến ngài Dhaniya, con trai người thợ gốm rồi.
15. Khi ấy, Bà-la-môn Vassakāra, quan đại thần xứ Magadha đã trở nên không hoan hỷ [nghĩ rằng]: “Vì sao đức vua lại cho Dhaniya, con trai người thợ gốm, những cây gỗ thuộc quốc khố là vật liệu tu bổ thành phố được để riêng, phòng lúc hữu sự?”
16. Sau đó, Bà-la-môn Vassakāra, quan đại thần xứ Magadha đã đi đến gặp đức Vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức Vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:
– Tâu Bệ hạ, nghe nói những cây gỗ thuộc quốc khố là vật liệu tu bổ thành phố được để riêng, phòng lúc hữu sự đã được Bệ hạ cho đến Dhaniya, con trai người thợ gốm, có đúng không vậy?
– Ai đã nói như thế?
– Tâu Bệ hạ, viên quản lý kho gỗ.
– Này Bà-la-môn, vậy thì khanh hãy cho lệnh gọi viên quản lý kho gỗ.
17. Sau đó, Bà-la-môn Vassakāra, quan đại thần xứ Magadha đã truyền lệnh trói viên quản lý kho gỗ. Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã nhìn thấy viên quản lý kho gỗ bị trói lại và đang bị dẫn đi, sau khi nhìn thấy đã nói với viên quản lý kho gỗ điều này:
– Này đạo hữu, vì sao ngươi bị trói và bị dẫn đi vậy?
– Thưa ngài, vì sự việc của những cây gỗ ấy.
– Này đạo hữu, ngươi cứ đi. Ta cũng đi nữa.
– Thưa ngài, ngài nên đi đến trước khi tôi bị giết chết.
18. Sau đó, Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm đã đi đến hậu cung của đức Vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, đức Vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm, sau khi đến đã đảnh lễ Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức Vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm điều này:
19. – Thưa ngài, nghe nói những cây gỗ thuộc quốc khố là vật liệu tu bổ thành phố được để riêng, phòng lúc hữu sự đã được trẫm cho đến ngài, có đúng không vậy?
– Tâu Đại vương, đúng vậy.
– Thưa ngài, chúng tôi là những vị vua có nhiều phận sự, có nhiều việc phải làm, ngay cả sau khi đã cho, chúng tôi cũng không thể nhớ được. Thưa ngài, giờ xin hãy nhắc lại.
– Tâu Đại vương, ngài có nhớ khi được phong vương lần thứ nhất, ngài đã tuyên bố lời như vầy: “Cỏ, gỗ và nước đã được dâng đến các Sa-môn và Bà-la-môn, hãy để cho các vị sử dụng.”
– Thưa ngài, trẫm đã nhớ rồi. Thưa ngài, có những Sa-môn và Bà-la-môn khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy có sự hối hận cho dù sự việc là nhỏ nhặt, và vật đã được trẫm nói có liên quan đến các vị ấy là vật vô chủ ở trong rừng. Thưa ngài, ngài đây suy nghĩ dùng mưu mẹo ấy để lấy vật chưa được cho là các cây gỗ. Làm sao trẫm đây có thể hành hạ, hoặc giam giữ, hoặc trục xuất vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn đang cư ngụ trong lãnh thổ được? Thưa ngài, ngài hãy đi. Ngài được tự do nhờ vào hình tướng. Ngài cũng chớ có tái phạm việc như vầy nữa!
20. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, giới hạnh xấu xa, nói láo. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành pháp, có thực hành sự an tịnh, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Các vị này còn đánh lừa ngay cả đức vua, thì còn gì nữa đối với những người khác?”
21. Các Tỳ-khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm lại lấy vật chưa được cho là các cây gỗ của đức vua vậy?” Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
22. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng Tỳ-khưu lại và đã hỏi Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm, rằng:
– Này Dhaniya, nghe nói ngươi lấy vật chưa được cho là các cây gỗ của đức vua, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại lấy vật chưa được cho là các cây gỗ của đức vua vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này kẻ rồ dại, hơn nữa, chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi [niềm tin] của một số người đã có đức tin.
23. Vào lúc bấy giờ, có vị nọ trước kia là quan đại thần xử án, nay đã xuất gia ở nơi các Tỳ-khưu, đang ngồi cách đức Thế Tôn không xa. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị Tỳ-khưu ấy điều này:
– Này Tỳ-khưu, với mức bao nhiêu thì đức Vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha [sẽ] hành hạ, hoặc giam giữ, hoặc trục xuất kẻ trộm cắp sau khi bắt được?
– Bạch Thế Tôn, với một pāda,[1] hoặc tương đương với một pāda.
Vào lúc bấy giờ, ở thành Rājagaha, năm māsaka thì bằng một pāda. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khiển trách Đại đức Dhaniya, con trai người thợ gốm bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu nào lấy vật không được cho theo lối trộm cướp; tương tợ như trong vụ đánh cắp, các vị vua sau khi bắt được kẻ trộm thì có thể hành hạ, hoặc có thể giam giữ, hoặc có thể trục xuất [phán rằng]: ‘Ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ ngu, ngươi là kẻ khờ, ngươi là kẻ cướp’; tương tợ như thế, vị Tỳ-khưu khi lấy vật không được cho, vị này cũng là vị phạm tội Pārājika, không được cộng trú.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-khưu như thế.
[Sự quy định căn bản]
1. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư đã đi đến chỗ nhuộm y và lấy trộm gói đồ nhuộm mang về tu viện chia nhau. Các Tỳ-khưu đã nói như vầy:
– Này các Đại đức, các vị thật là đại phước! Có nhiều y đã được phát sanh đến các vị.
– Này các Đại đức, do đâu mà chúng tôi có phước? Hôm nay, chúng tôi đã đi đến chỗ nhuộm y và lấy trộm gói đồ nhuộm.
– Này các Đại đức, không phải điều học đã được đức Thế Tôn quy định hay sao? Này các Đại đức, tại sao các người lại lấy trộm gói đồ nhuộm?
– Này các Đại đức, đúng vậy. Điều học đã được đức Thế Tôn quy định và điều ấy là ở trong làng, không phải ở trong rừng.
2. – Này các Đại đức, điều ấy không phải là như thế hay sao? Này các Đại đức, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này các Đại đức, vì sao các Đại đức lại lấy trộm gói đồ nhuộm?
Này các Đại đức, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các Đại đức, hơn nữa, chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi [niềm tin] của một số người đã có đức tin.
3. Sau đó, khi đã khiển trách các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư bằng nhiều phương thức, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng Tỳ-khưu lại và đã hỏi các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư rằng:
– Này các Tỳ-khưu, nghe nói các ngươi đã đi đến chỗ nhuộm y và lấy trộm gói đồ nhuộm, có đúng không vậy?
– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– Này những kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại đi đến chỗ nhuộm y và lấy trộm gói đồ nhuộm? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị Tỳ-khưu nào lấy vật không được cho từ làng hoặc từ rừng theo lối trộm cướp; tương tợ như trong vụ đánh cắp, các vị vua sau khi bắt được kẻ trộm thì có thể hành hạ, hoặc có thể giam giữ, hoặc có thể trục xuất [phán rằng]: ‘Ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ ngu, ngươi là kẻ khờ, ngươi là kẻ cướp’; tương tợ như thế, vị Tỳ-khưu trong khi lấy vật không được cho, vị này cũng là vị phạm tội Pārājika, không được cộng trú.”
[Sự quy định lần hai]
4. Vị nào: Là bất cứ vị nào ...(nt).
Tỳ-khưu: “Vị đi khất thực” là Tỳ-khưu. ...(nt)... vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Làng nghĩa là một túp lều cũng là làng. Hai túp lều cũng là làng. Ba túp lều cũng là làng. Bốn túp lều cũng là làng. Làng có người. Làng không có người. Làng được rào lại. Làng không được rào lại. Nơi các bầy bò được chăn, thả dừng lại tạm nghỉ cũng được gọi là làng. Thậm chí, đoàn xe tải của thương buôn dừng lại trên bốn tháng cũng được gọi là làng.
Vùng ven làng nghĩa là [tính đến] chỗ rơi xuống của cục đất được ném đi bởi người nam [có sức mạnh] hạng trung đứng ở bục cổng của ngôi làng được rào lại, [hoặc tính đến] chỗ rơi xuống của cục đất được ném đi bởi người nam [có sức mạnh] hạng trung đứng ở vùng biên của các ngôi nhà thuộc ngôi làng không được rào lại.
Rừng nghĩa là trừ đi làng và vùng ven làng, phần còn lại gọi là rừng.
Vật không được cho nghĩa là vật nào chưa được cho, chưa được trao, chưa được dứt bỏ, được bảo vệ, được canh giữ, có sở hữu chủ, được quản lý bởi người khác; vật ấy là vật không được cho.
Theo lối trộm cướp: Có tâm trộm cướp, có tâm lấy trộm.
Lấy: Vị lấy đi, vị mang đi, vị lấy trộm, vị làm thay đổi tư thế, vị làm di chuyển khỏi vị trí, vị vượt qua sự quy định.
Có hình thức như thế nghĩa là một pāda, hoặc tương đương một pāda, hoặc hơn một pāda.
Các vị vua nghĩa là các vị vua [cai trị] toàn trái đất, các vị vua của một xứ, các vị vua của một vùng, các vị trưởng bộ tộc, các quan xử án, các quan đại thần, hoặc các vị nào điều khiển việc gia hình, các vị này gọi là các vị vua.
Kẻ trộm nghĩa là kẻ nào lấy đi theo lối trộm cướp vật không được cho trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, kẻ ấy gọi là kẻ trộm.
Hoặc có thể hành hạ: Họ có thể hành hạ bằng tay, hoặc bằng chân, hoặc bằng roi, hoặc bằng gậy, hoặc bằng dùi cui, hoặc bằng cách làm cho tàn phế.
Hoặc có thể giam giữ: Họ có thể giam giữ theo cách trói bằng dây thừng, hoặc theo cách trói bằng xiềng xích, hoặc theo cách trói bằng cùm, hoặc bằng cách giam trong nhà ngục, hoặc bằng cách giữ trong thành phố, hoặc bằng cách giữ trong làng, hoặc bằng cách giữ trong thị trấn, hoặc họ có thể thực hiện việc cho người canh gác.
Hoặc có thể trục xuất: Họ có thể trục xuất ra khỏi làng, hoặc ra khỏi thị trấn, hoặc ra khỏi thành phố, hoặc ra khỏi khu vực, hoặc ra khỏi xứ sở.
Ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ ngu, ngươi là kẻ khờ, ngươi là kẻ cướp: Điều này là sự quở trách.
Có hình thức như thế nghĩa là một pāda, hoặc tương đương một pāda, hoặc hơn một pāda.
Trong khi lấy: Trong khi lấy đi, trong khi mang đi, trong khi lấy trộm, trong khi làm thay đổi tư thế, trong khi làm cho rời khỏi vị trí, trong khi vượt qua sự quy định.
Vị này cũng: Được đề cập liên quan đến vị trước đây
Là vị phạm tội Pārājika: Cũng giống như chiếc lá vàng đã lìa khỏi cành, không thể xanh trở lại; tương tợ như thế, vị Tỳ-khưu lấy đi theo lối trộm cướp vật không được cho có giá trị một pāda, hoặc tương đương một pāda, hoặc hơn một pāda thì không phải là Sa-môn, không phải là Thích tử; vì thế, được gọi là “vị phạm tội Pārājika.”
Không được cộng trú: Sự cộng trú, nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng Giới bổn (Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”
*****
[Tiêu đề hướng dẫn]
1. Vật ở trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không, vật ở trong nước, vật ở trên chiếc thuyền, vật ở trong xe, vật là gói hàng, vật ở trong vườn, vật ở trong trú xá, vật ở trong ruộng, vật ở trong khu đất, vật ở trong làng, vật ở trong rừng, nước, tăm xỉa răng, cây rừng, vật được mang đi, vật được ký gởi, trạm thuế, sinh mạng, loài không chân, loài hai chân, loài bốn chân, loài nhiều chân, người theo dõi, người bảo vệ vật ký gởi, lấy trộm theo kế hoạch, hành động theo sự quy định, hành động theo dấu hiệu.
2. Vật ở trong đất nghĩa là vật được đặt xuống, được chôn, được phủ kín ở trong lòng đất. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong đất: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai, hoặc tìm kiếm cái thuổng hay cái giỏ, hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; chặt cây hoặc dây leo mọc ở nơi ấy thì phạm tội Dukkaṭa; đào đất, hoặc xắn ra, hoặc lấy lên thì phạm tội Dukkaṭa;[2] sờ vào cái hũ thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Sau khi đưa vật đựng của mình vào [trong hũ][3] rồi khởi tâm trộm cắp vật có giá trị năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; bỏ vào trong vật đựng của mình hoặc tách ra một nắm tay thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp vật làm theo dạng sợi: Hoặc là dây thắt lưng, hoặc là dây chuyền cổ, hoặc là dây chuyền ở hông, hoặc là tấm vải choàng, hoặc là khăn xếp đội đầu, sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; nắm vào chóp [của một vật nào] rồi nâng lên thì phạm tội Thullaccaya; chà xát rồi bỏ xuống thì phạm tội Thullaccaya; đưa ra khỏi miệng hũ, cho dù khoảng cách chỉ mảnh như sợi tóc thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp bơ lỏng, hay dầu ăn, hay mật ong, hay nước mía rồi uống trong một lần trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka thì phạm tội Pārājika. Ngay tại chỗ đó, đập bể, hoặc đổ bỏ, hoặc đốt đi, hoặc làm cho không còn sử dụng được nữa thì phạm tội Dukkaṭa.
3. Vật ở trên đất nghĩa là vật được đặt xuống ở trên mặt đất. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trên mặt đất: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
4. Vật ở trên không nghĩa là vật di chuyển ở trên không, hoặc là chim công, hoặc là chim đa đa, hoặc là gà gô, hoặc là chim cun cút, hoặc là tấm vải choàng, hoặc là khăn xếp đội đầu, hoặc là bạc, hoặc là vàng đang bị bể ra và rơi xuống. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trên không: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; làm gián đoạn sự di chuyển thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
5. Vật ở khoảng không nghĩa là vật được đặt ở khoảng không [cách khoảng với mặt đất] hoặc là ở trên giường, hoặc là ở trên ghế, hoặc là ở sào máng y, hoặc là ở dây treo y, hoặc là ở chốt đinh đóng ở tường, hoặc là ở cái móc ngà voi, hoặc là được treo trên cây, thậm chí chỉ ở trên vật kê bình bát. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở khoảng không: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
6. Vật ở trong nước nghĩa là vật được đặt ở trong nước. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong nước: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; lặn xuống hoặc nổi lên thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp hoặc là đóa sen xanh, hoặc là đóa sen hồng, hoặc là đóa sen trắng, hoặc là ngó sen mọc ở nơi ấy, hoặc là cá, hoặc là rùa trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
7. Thuyền nghĩa là vượt qua [hồ, sông, biển, v.v...] bằng vật ấy. Vật ở trên chiếc thuyền nghĩa là vật được đặt ở trên thuyền. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trên chiếc thuyền: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp chiếc thuyền: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; tháo dây buộc thì phạm tội Dukkaṭa; sau khi tháo dây buộc, sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển lên, hoặc xuống, hoặc ngang, cho dù khoảng cách chỉ mảnh như sợi tóc thì phạm tội Pārājika.
8. Xe nghĩa là xe có mui, xe kéo hai bánh, xe tải hàng, xe ngựa kéo. Vật ở trong xe nghĩa là vật được đặt ở trong xe. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong xe: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp chiếc xe: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
9. Gói hàng nghĩa là gói hàng ở trên đầu, gói hàng ở vai, gói hàng ở hông, vật được đeo. Vị khởi tâm trộm cắp gói hàng ở trên đầu rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; đưa xuống vai thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp rồi sờ vào gói hàng ở trên vai thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; đưa xuống hông thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp gói hàng ở hông rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; cầm bằng tay thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp gói hàng ở tay rồi đặt xuống mặt đất thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp rồi nhấc lên khỏi mặt đất thì phạm tội Pārājika.
10. Vườn nghĩa là vườn hoa, vườn trái cây. Vật ở trong vườn nghĩa là vật được đặt ở bốn nơi trong vườn: Vật ở trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong vườn: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp vật mọc ở nơi ấy hoặc là rễ cây, hoặc là vỏ cây, hoặc là lá cây, hoặc là bông hoa, hoặc là trái cây trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị kiện cáo về khu vườn thì phạm tội Dukkaṭa; làm cho người chủ khởi lên sự nghi hoặc [về sở hữu chủ] thì phạm tội Thullaccaya; người chủ buông bỏ trách nhiệm: “[Khu vườn] sẽ không còn là của tôi nữa” thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thắng người chủ thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thua thì phạm tội Thullaccaya.
11. Vật ở trong trú xá nghĩa là vật được đặt ở bốn nơi trong trú xá: Vật trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong trú xá: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị kiện cáo về trú xá thì phạm tội Dukkaṭa; làm cho người chủ khởi lên sự nghi hoặc [về sở hữu chủ] thì phạm tội Thullaccaya; người chủ buông bỏ trách nhiệm: “[Trú xá] sẽ không còn là của tôi nữa” thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thắng người chủ thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thua thì phạm tội Thullaccaya.
12. Ruộng nghĩa là nơi sản xuất thóc lúa hoặc rau xanh. Vật ở trong ruộng nghĩa là vật được đặt ở bốn nơi trong ruộng: Vật ở trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong ruộng: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp thóc lúa hoặc là rau xanh trồng ở nơi ấy trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị kiện cáo về mảnh ruộng thì phạm tội Dukkaṭa; làm cho người chủ khởi lên sự nghi hoặc [về sở hữu chủ] thì phạm tội Thullaccaya; người chủ buông bỏ trách nhiệm: “[Thửa ruộng] sẽ không còn là của tôi nữa” thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thắng người chủ thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thua thì phạm tội Thullaccaya. Vị di chuyển cọc ranh, hoặc dây ngăn, hoặc hàng rào, hoặc ranh giới thì phạm tội Dukkaṭa; khi phần việc cuối cùng chưa hoàn tất thì phạm tội Thullaccaya; khi phần việc cuối cùng ấy đã hoàn tất thì phạm tội Pārājika.
13. Khu đất nghĩa là khu đất vườn, khu đất trú xá. Vật ở trong khu đất nghĩa là vật được đặt ở bốn nơi trong khu đất: Vật ở trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong khu đất: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị kiện cáo về khu đất thì phạm tội Dukkaṭa; làm cho người chủ khởi lên sự nghi hoặc [về sở hữu chủ] thì phạm tội Thullaccaya; người chủ buông bỏ trách nhiệm: “[Khu đất] sẽ không còn là của tôi nữa” thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thắng người chủ thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thua thì phạm tội Thullaccaya. Vị di chuyển cọc ranh, hoặc dây ngăn, hoặc hàng rào, hoặc tường thành thì phạm tội Dukkaṭa; khi phần việc cuối cùng chưa hoàn tất thì phạm tội Thullaccaya; khi phần việc cuối cùng ấy đã hoàn tất thì phạm tội Pārājika.
14. Vật ở trong làng nghĩa là vật được đặt ở bốn nơi trong làng: Vật ở trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong làng: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
15. Rừng nghĩa là nơi nào có được sự quản lý của con người, nơi ấy tức là rừng. Vật ở trong rừng nghĩa là vật được đặt ở bốn nơi trong rừng: Vật ở trong đất, vật ở trên mặt đất, vật ở trên không trung, vật ở khoảng không. Vị khởi tâm trộm cắp vật ở trong rừng: “Ta sẽ lấy trộm”, rồi kiếm thêm người thứ hai hoặc đi [một mình] thì phạm tội Dukkaṭa; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Vị khởi tâm trộm cắp hoặc là cây gỗ, hoặc là dây leo, hoặc là cỏ mọc ở nơi ấy trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
16. Nước nghĩa là nước đã được đưa vào trong chậu, hoặc ở trong hồ chứa, hoặc ở trong đập ngăn. Vị khởi tâm trộm cắp rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. Sau khi đưa vật đựng của mình vào, vị khởi tâm trộm cắp số nước trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm cho [nước] vào hẳn trong vật đựng của mình thì phạm tội Pārājika. Vị phá vỡ tường thành thì phạm tội Dukkaṭa; sau khi phá vỡ tường thành rồi làm cho thoát ra lượng nước trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka thì phạm tội Pārājika; làm cho thoát ra lượng nước trị giá hơn một māsaka hoặc kém năm māsaka thì phạm tội Thullaccaya; làm cho thoát ra lượng nước trị giá một māsaka hoặc kém một māsaka thì phạm tội Dukkaṭa.
17. Tăm xỉa răng nghĩa là đã được cắt hoặc chưa được cắt. Vị khởi tâm trộm cắp vật trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
18. Cây rừng nghĩa là cây gỗ có sự hữu dụng được con người quản lý. Vị khởi tâm trộm cắp rồi [dùng dao] chặt thì phạm tội Dukkaṭa theo mỗi nhát dao; khi nhát dao cuối cùng chưa hoàn tất thì phạm tội Thullaccaya; khi nhát dao cuối cùng đã hoàn tất thì phạm tội Pārājika.
19. Vật được mang đi nghĩa là vật được mang đi thuộc về người khác. Vị khởi tâm trộm cắp rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. [Nghĩ rằng]: “Ta sẽ dẫn đi người khuân vác cùng với vật”, rồi làm di chuyển bước chân thứ nhất thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân thứ nhì thì phạm tội Pārājika. [Nghĩ rằng]: “Ta sẽ nhặt lấy vật bị rơi”, rồi làm cho [vật] rơi xuống thì phạm tội Dukkaṭa. Vị khởi tâm trộm cắp vật bị rơi xuống trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
20. Vật ký gởi nghĩa là vật được ủy thác. Khi được nói rằng: “Cho tôi vật [đã ký gởi]”, vị trả lời: “Tôi không có giữ” thì phạm tội Dukkaṭa; làm cho người chủ khởi lên sự nghi hoặc [về việc ký gởi] thì phạm tội Thullaccaya; người chủ buông bỏ vấn đề: “Người này sẽ không trao cho ta” thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thắng người chủ thì phạm tội Pārājika. Trong khi thực thi công lý, [nếu] thua thì phạm tội Thullaccaya.
21. Trạm thuế nghĩa là ở khe núi, hoặc ở bến đò, hoặc ở cổng làng, đức vua đã quy định rằng: “Hãy thâu thuế đối với người đi vào nơi này.” Sau khi đi vào nơi đó, vị khởi tâm trộm cắp vật có thuế phải đóng trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; vượt qua khỏi trạm thuế bước thứ nhất thì phạm tội Thullaccaya; vượt qua bước thứ nhì thì phạm tội Pārājika. Vị đứng ở giữa trạm thuế và ném ra khỏi trạm thuế thì phạm tội Pārājika. Vị tránh né việc đóng thuế thì phạm tội Dukkaṭa.
22. Sinh mạng nghĩa là sinh mạng con người được đề cập đến. Vị khởi tâm trộm cắp rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. [Nghĩ rằng]: “Ta sẽ dẫn đi từng bước”, rồi làm di chuyển bước chân thứ nhất thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân thứ nhì thì phạm tội Pārājika.
23. Loài không chân nghĩa là loài rắn, loài cá. Vị khởi tâm trộm cắp [loài không chân] trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
24. Loài hai chân nghĩa là loài người, loài có cánh.[4] Vị khởi tâm trộm cắp [loài hai chân] rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. [Nghĩ rằng]: “Ta sẽ dẫn đi từng bước”, rồi làm di chuyển bước chân thứ nhất thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân thứ nhì thì phạm tội Pārājika.
25. Loài bốn chân nghĩa là loài voi, loài ngựa, loài lạc đà, loài bò, loài lừa, loài gia súc. Vị khởi tâm trộm cắp [loài bốn chân] rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. [Nghĩ rằng]: “Ta sẽ dẫn đi từng bước”, rồi làm di chuyển bước chân thứ nhất thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân thứ nhì thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân thứ ba thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân thứ tư thì phạm tội Pārājika.
26. Loài nhiều chân nghĩa là loài bò cạp, loài rết [trăm chân], loài sâu róm. Vị khởi tâm trộm cắp [loài nhiều chân] trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika. [Nghĩ rằng]: “Ta sẽ dẫn đi từng bước”, rồi làm di chuyển bước chân thứ nhất thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển cứ mỗi bước chân thì phạm tội Thullaccaya; làm di chuyển bước chân cuối cùng thì phạm tội Pārājika.
27. Người theo dõi nghĩa là sau khi theo dõi vật dụng rồi nói rằng: “Hãy lấy trộm vật dụng tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia lấy trộm vật dụng ấy thì cả hai phạm tội Pārājika.
28. Người bảo vệ vật ký gởi nghĩa là gìn giữ vật đã được mang đến. Vị khởi tâm trộm cắp [vật ký gởi] trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka, rồi sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa; làm lay động thì phạm tội Thullaccaya; làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
29. Lấy trộm theo kế hoạch nghĩa là sau khi nhiều vị bàn thảo, rồi một vị lấy trộm đồ vật thì tất cả đều phạm tội Pārājika.
30. Hành động theo sự quy định nghĩa là lập nên sự quy định rằng: “Hãy lấy trộm vật ấy vào giờ quy định ấy, hoặc là trước bữa ăn, hoặc là sau bữa ăn, hoặc là ban đêm, hoặc là ban ngày” thì phạm tội Dukkaṭa; [vị kia] lấy trộm đồ vật ấy vào giờ quy định ấy thì cả hai phạm tội Pārājika; [vị kia] lấy trộm đồ vật ấy trước hay sau giờ quy định ấy thì vị khởi xướng vô tội, còn vị lấy trộm phạm tội Pārājika.
31. Hành động theo dấu hiệu nghĩa là lập nên dấu hiệu rằng: “Hoặc là tôi sẽ nháy mắt, hoặc là tôi sẽ nhướng mày, hoặc là tôi sẽ ngẩng đầu lên, ngươi hãy lấy trộm vật ấy theo dấu hiệu ấy” thì phạm tội Dukkaṭa; [vị kia] lấy trộm vật ấy theo dấu hiệu ấy thì cả hai phạm tội Pārājika; [vị kia] lấy trộm vật dụng ấy trước hay sau dấu hiệu ấy thì vị khởi xướng vô tội, còn vị lấy trộm phạm tội Pārājika.
32. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia nhận biết vật ấy rồi lấy trộm vật ấy thì cả hai phạm tội Pārājika.
33. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia nhận biết vật ấy rồi lấy trộm vật khác thì vị khởi xướng vô tội, còn vị lấy trộm phạm tội Pārājika.
34. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia nhận biết vật khác rồi lấy trộm vật ấy thì cả hai phạm tội Pārājika.
35. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia nhận biết vật khác rồi lấy trộm vật khác thì vị khởi xướng vô tội, còn vị lấy trộm phạm tội Pārājika.
36. Vị Tỳ-khưu [A][5] chỉ thị vị Tỳ-khưu [B] rằng: “Hãy bảo vị tên [C] rằng: Vị tên [C] hãy nói với vị tên [D] rằng: ‘Vị tên [D] hãy lấy trộm vật tên như vầy’” thì vị ấy [A] phạm tội Dukkaṭa. Vị [nào] nói cho vị khác thì phạm tội Dukkaṭa. Vị lấy trộm [D] đồng ý thì vị khởi xướng [A] phạm tội Thullaccaya; vị ấy [D] lấy trộm vật ấy thì tất cả đều phạm tội Pārājika.
37. Vị Tỳ-khưu [A] chỉ thị vị Tỳ-khưu [B] rằng: “Hãy bảo vị tên [C] rằng: Vị tên [C] hãy nói với vị tên [D] rằng: ‘Vị tên [D] hãy lấy trộm vật tên như vầy’” thì vị ấy [A] phạm tội Dukkaṭa. Vị ấy [B] chỉ thị vị khác [D] thì vị ấy [B] phạm tội Dukkaṭa. Vị lấy trộm [D] đồng ý thì vị ấy [D] phạm tội Dukkaṭa; vị ấy [D] lấy trộm vật ấy thì vị khởi xướng [A] vô tội, vị truyền chỉ thị [B] và vị lấy trộm phạm tội Pārājika.
38. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia đi rồi quay trở lại [nói rằng]: “Tôi không thể lấy trộm vật ấy.” Vị ấy lại chỉ thị thêm: “Khi nào ngươi có thể thì khi ấy ngươi hãy lấy trộm vật ấy” thì phạm tội Dukkaṭa. Vị kia lấy trộm vật ấy thì cả hai phạm tội Pārājika.
39. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Sau khi chỉ thị, vị ấy có sự hối hận nhưng không nói rõ cho vị kia nghe rằng: “Chớ có lấy trộm.” Vị kia lấy trộm vật ấy thì cả hai phạm tội Pārājika.
40. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Sau khi chỉ thị, vị ấy có sự hối hận rồi nói rõ cho vị kia nghe rằng: “Chớ có lấy trộm.” Vị kia [đáp lại rằng]: “Tôi đã được ngài chỉ thị”, rồi lấy trộm vật ấy thì vị khởi xướng vô tội, còn vị lấy trộm phạm tội Pārājika.
41. Vị Tỳ-khưu chỉ thị vị Tỳ-khưu rằng: “Hãy lấy trộm vật tên như vầy” thì phạm tội Dukkaṭa. Sau khi chỉ thị, vị ấy có sự hối hận rồi nói rõ cho vị kia nghe rằng: “Chớ có lấy trộm.” Vị kia [đáp lại rằng]: “Tốt thôi”, rồi ngưng lại thì cả hai vô tội.
42. Vị lấy vật không được cho phạm tội Pārājika do năm yếu tố: Là vật thuộc về người khác; biết vật thuộc về người khác; là vật dụng quan trọng trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Thullaccaya, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
43. Vị lấy vật không được cho phạm tội Thullaccaya do năm yếu tố: Là vật thuộc về người khác; biết vật thuộc về người khác; là vật dụng tầm thường trị giá hơn một māsaka hoặc kém năm māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Thullaccaya.
44. Vị lấy vật không được cho phạm tội Dukkaṭa do năm yếu tố: Là vật thuộc về người khác; biết vật thuộc về người khác; là vật dụng tầm thường trị giá một māsaka hoặc kém một māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Dukkaṭa.
45. Vị lấy vật không được cho phạm tội Pārājika do sáu yếu tố: Biết vật không thuộc về mình; lấy không phải do sự thân thiết; không phải [mượn] trong thời hạn; là vật dụng quan trọng trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Thullaccaya, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Pārājika.
46. Vị lấy vật không được cho phạm tội Thullaccaya do sáu yếu tố: Biết vật không thuộc về mình; lấy không phải do sự thân thiết; không phải [mượn] trong thời hạn; là vật dụng tầm thường trị giá hơn một māsaka hoặc kém năm māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Thullaccaya.
47. Vị lấy vật không được cho phạm tội Dukkaṭa do sáu yếu tố: Biết vật không thuộc về mình; lấy không phải do sự thân thiết; không phải [mượn] trong thời hạn; là vật dụng tầm thường trị giá một māsaka hoặc kém một māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Dukkaṭa.
48. Vị lấy vật không được cho phạm tội Dukkaṭa do năm yếu tố: Là vật không thuộc về người khác; nghĩ là vật thuộc về người khác; là vật dụng quan trọng trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Dukkaṭa.
49. Vị lấy vật không được cho phạm tội Dukkaṭa do năm yếu tố: Là vật không thuộc về người khác; nghĩ là vật thuộc về người khác; là vật dụng tầm thường trị giá hơn một māsaka hoặc kém năm māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Dukkaṭa.
50. Vị lấy vật không được cho phạm tội Dukkaṭa do năm yếu tố: Là vật không thuộc về người khác; nghĩ là vật thuộc về người khác; là vật dụng tầm thường trị giá một māsaka hoặc kém một māsaka; và tâm trộm cắp có hiện diện; sờ vào thì phạm tội Dukkaṭa, làm lay động thì phạm tội Dukkaṭa, làm dời khỏi vị trí thì phạm tội Dukkaṭa.
51. Tưởng là của mình, khi lấy do sự thân thiết, [mượn] trong thời hạn, thuộc về người chết, thuộc về loài thú, nghĩ là vật bị quăng bỏ, vị bị điên, vị có tâm bị rối loạn, vị bị thọ khổ hành hạ, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt tụng phẩm thứ nhất về việc trộm cắp.
--oo0oo--
[1] Theo ngài Buddhaghosa, đơn vị tiền tệ thời ấy là kahāpaṇa, và 1 kahāpaṇa = 4 pāda = 20 māsaka (VinA. II. 297). Thượng tọa Thumana, ở bản dịch sang tiếng Anh của bộ Luật Pārājikapāḷi do Department for the Promotion and Propagation of the Sāsanā xuất bản ở Miến Điện, lấy đơn vị tiền tệ làm sự so sánh nên cho rằng: “Nếu lấy trộm 1/4 kyat sẽ phạm tội Pārājika” (1 US dollar # 1000 kyat vào năm 2002). Hơn nữa, baht, đơn vị tiền tệ ở Thái Lan chính là từ pāda của Pāli (1 US dollar # 45 baht vào năm 2002). Tài liệu Luật Xuất gia tóm tắt của HT. Hộ Tông cũng cho rằng: 1 pāda tương đương 6 cắc bạc Việt Nam năm 1966. Nếu so sánh theo cách này thì chỉ cần trộm 1 vật có giá trị rất nhỏ cũng đã phạm tội Pārājika. Tài liệu Vinayamukha của ngài Mahāsamaṇa Chao (Thái Lan) có giới thiệu một cách tính như sau: “Theo Sớ giải (Ṭīkā), 1 māsaka trị giá bằng số vàng có trọng lượng tương đương trọng lượng của 4 hạt gạo.” Như vậy, 1 pāda sẽ có giá trị vàng có trọng lượng tương đương trọng lượng của 4 x 5 = 20 hạt gạo, nghe đâu có người đã ước lượng vào khoảng 5 phân vàng. Mặt khác, theo câu chuyện duyên khởi của điều Nissaggiya thứ 18, thì 1 pāda lúc bấy giờ chỉ mua được một miếng thịt nhỏ vừa miệng ăn của một đứa bé. Thêm vào đó, các câu chuyện dẫn giải cũng có thể giúp cho người đọc có thêm được khái niệm về trị giá của 5 māsaka vào thời bấy giờ.
[2] Lẽ ra phải là tội Pācittiya (ND).
[3] Vì không thể đưa hũ lên khỏi hố chôn được (VinA. II. 316).
[4] Loài có cánh (pakkhajātā) có 3 loại: Cánh bằng lông (lomapakkhā) như chim công, gà gô; cánh bằng da (cammapakkhā) như loài dơi; cánh bằng xương (aṭṭhipakkhā) như loài ong (VinA. II. 363).
[5] A, B, C, D được thêm vào cho dễ hiểu dựa theo Chú giải (VinA. III. 368-70).