Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 10 » Tạng Tam Tạng Thượng Toạn Bộ 10 »

PHÂN TÍCH GIỚI BỔN 
(Suttavibhaṅga)
Tỳ-Khưu INDACANDA

Mục Lục

1.4. ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ TƯ

 

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy chéo áo choàng [của người nam], đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, ưng thuận sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy.[1]

2. Các Tỳ-khưu-ni nào ít ham muốn, ...(nt)... các vị Ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Vì sao các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng lại ưng thuận sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy chéo áo choàng [của người nam], đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, ưng thuận sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy?” ...(nt).

– Này các Tỳ-khưu, nghe nói các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy chéo áo choàng [của người nam], đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, ưng thuận sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, có đúng không vậy?

– Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ...(nt).

– ...(nt)... Này các Tỳ-khưu, vì sao các Tỳ-khưu-ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng lại ưng thuận sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy chéo áo choàng [của người nam], đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, ưng thuận sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy vậy? Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(nt)... Và này các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu-ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

Vị Tỳ-khưu-ni nào nhiễm dục vọng, ưng thuận sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, hoặc ưng thuận sự nắm lấy chéo áo choàng [của người nam], hoặc đứng chung, hoặc trò chuyện, hoặc đi đến nơi hẹn hò, hoặc ưng thuận sự viếng thăm của người nam, hoặc đi vào nơi che khuất, hoặc kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni này cũng là vị phạm tội Pārājika, không được cộng trú, là người nữ liên quan tám sự việc.”

3. Vị Ni nào: Là bất cứ vị Ni nào ...(nt).

Tỳ-khưu-ni: ...(nt)... vị Ni này là “vị Tỳ-khưu-ni” được đề cập trong ý nghĩa này.

[Nữ] nhiễm dục vọng nghĩa là người nữ có dục vọng, có sự khao khát, có tâm quyến luyến.

[Nam] nhiễm dục vọng nghĩa là người nam có dục vọng, có sự khao khát, có tâm quyến luyến.

Người nam nghĩa là nam nhân loại, không phải dạ-xoa nam, không phải ma nam, không phải thú đực, có trí suy xét, có khả năng thực hiện việc xúc chạm cơ thể.

Hoặc ưng thuận sự nắm lấy cánh tay: Cánh tay nghĩa là tính từ cùi chỏ cho đến đầu móng tay. Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni ưng thuận sự nắm lấy từ xương đòn [ở cổ] trở lên và đầu gối trở xuống thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc ưng thuận sự nắm lấy chéo áo choàng: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni ưng thuận sự nắm lấy hoặc tấm choàng dưới, hoặc tấm choàng trên thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc đứng chung: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni đứng trong tầm tay (1m25) của người nam thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc trò chuyện: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni đứng trò chuyện trong tầm tay của người nam thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc đi đến nơi hẹn hò: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, [khi] được người nam nói rằng: “Hãy đi đến địa điểm tên [như vầy]”, vị Ni đi [đến nơi ấy], thì phạm tội Dukkaṭa theo mỗi bước đi, khi đã vào ở trong tầm tay của người nam thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc ưng thuận sự viếng thăm của người nam: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni ưng thuận sự viếng thăm của người nam thì phạm tội Dukkaṭa, khi đã vào ở trong tầm tay của người nam thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc đi vào nơi che khuất: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, khi đã vào trong chỗ được che kín bởi bất cứ vật gì thì phạm tội Thullaccaya.

Hoặc kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị Ni đứng trong tầm tay của người nam kề sát cơ thể thì phạm tội Thullaccaya.

Vị Ni này cũng: Được đề cập có liên quan đến các vị Ni trước đây.

Là vị phạm tội Pārājika: Cũng giống như cây thốt nốt bị chặt ở ngọn, không thể tăng trưởng được nữa; tương tợ như thế, vị Tỳ-khưu-ni khi làm đủ tám sự việc thì không còn là nữ Sa-môn, không phải là Thích nữ; vì thế được gọi là “vị phạm tội Pārājika.”

Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng [Giới bổn], có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị Ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”

Không cố ý, vị Ni thất niệm, vị Ni không hay biết, vị Ni không ưng thuận, vị Ni bị điên, vị Ni có tâm bị rối loạn, vị Ni bị thọ khổ hành hạ, vị Ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều Pārājika thứ tư.

--oo0oo--

4. Bạch chư Đại đức Ni, tám điều Pārājika[2] đã được đọc tụng xong. Vị Tỳ-khưu-ni vi phạm điều nọ hoặc điều kia thuộc về các điều này thì không có được sự cộng trú cùng với các Tỳ-khưu-ni,[3] trước đây như thế nào thì sau này là như vậy; [vị Ni ấy] là vị Ni phạm tội Pārājika, không được cộng trú. Trong các điều ấy, tôi hỏi các Đại đức Ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Chư Đại đức Ni được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Dứt chương Pārājika.

--oo0oo--

 

Chú thích

[1] Theo ngài Buddhaghosa, điều không tốt đẹp là nói đến sự xúc chạm cơ thể chứ không phải sự thực hiện việc đôi lứa (VinA. IV. 904).

[2] Gồm 4 điều Pārājika đã được quy định cho Tỳ-khưu, được gọi là điều quy định chung và 4 điều quy định riêng được trình bày ở đây; như thế, tổng cộng là 8 điều Pārājika cho Tỳ-khưu-ni (VinA. IV. 906).

[3] Xem lời giải thích về việc này ở chương Pārājika của Tỳ-khưu (TTTĐPGVN, tập 10, tr. 133; TTPV, tập 1, tr. 255).